Ngày 07 tháng 01 năm 2023 vừa qua, Mạng lưới Y học cộng đồng phối hợp cùng Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard tổ chức Hội thảo “Giao tiếp với người bệnh ung thư” và giới thiệu bản lịch "31 lời khuyên về giao tiếp và làm việc nhóm trong điều trị ung thư" nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và thông điệp hữu ích khi giao tiếp và làm việc nhóm trong chăm sóc, điều trị K. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình Nghìn lẻ một đêm Ca (K), với sự chia sẻ của các diễn giả, khách mời từ Nhật Bản và Việt Nam.
Những khó khăn khi giao tiếp với người bệnh ung thư
Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư là một quá trình dài, đòi hỏi người chăm sóc phải có kiến thức về căn bệnh, cách trị bệnh lẫn kỹ năng giao tiếp với người bệnh. Một lời nói nhẹ nhàng, đúng lúc có thể giải toả tâm lý bất ổn, vực dậy niềm tin cho người bệnh cũng như giúp họ yên lòng trong những ngày chiến đấu với ung thư.
Mở đầu chương trình, TS.BS. Phạm Nguyên Quý chia sẻ 3 nhóm lý do chính liên quan đến giao tiếp với người bệnh ung thư.
Nhóm 1: Khác biệt trong tình huống điều trị
Bệnh ung thư có nhiều tình huống, giai đoạn khác nhau với mục tiêu điều trị khác nhau, lại có thể thay đổi giữa chừng nên yêu cầu nội dung giao tiếp phải phù hợp. Ví dụ, trong tình huống ung thư giai đoạn sớm cần nhắm đến việc chữa lành, không nên nói chuyện xui xẻo, tiêu cực. Trong khi đó, đối với bệnh nhân đã hết đáp ứng với điều trị tấn công ung thư, ở giai đoạn rất muộn thì việc động viên "Cố lên nữa đi!" sẽ có phần khiên cưỡng và làm người bệnh mệt mỏi.
Nhóm 2: Khác biệt về kiến thức và quan điểm
Đối với một số tình huống khó như hoá trị có hiệu quả nhưng lại đi kèm tác dụng phụ tê tay, bắt đầu ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, mỗi người bệnh có thể có quan điểm khác nhau về việc tiếp tục cố gắng hay muốn đổi/ giảm liều thuốc. Trong những trường hợp này, không có câu trả lời Đúng - Sai tuyệt đối mà cần phải lắng nghe để hiểu quan điểm của nhau để không cãi vã, giận hờn đáng tiếc.
Nhóm 3: Khác biệt về tính cách và thói quen giao tiếp
Tính cách hướng ngoại hay hướng nội, thói quen ra quyết định dựa trên cảm xúc hay tư duy logic...cũng ảnh hưởng tới quá trình và nội dung giao tiếp. Một số người muốn lên kế hoạch trước cho tất cả mọi thứ, trong khi những người khác lại muốn “tới đâu hay đó" nên việc đối thoại về kế hoạch tương lai có thể gặp khó khăn.
Những thông điệp quan trọng giúp cải thiện giao tiếp với người bệnh ung thư
Ung thư là tập hợp của nhiều bệnh lý phức tạp, cần điều trị, chăm sóc đa ngành. Trong quá trình đồng hành cùng bệnh nhân, sẽ có nhiều tình huống khó xử, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
“Nói thế nào để bệnh nhân bớt lo lắng, bất an?”
“Làm thế nào để bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân, người nhà cùng nhìn về một hướng?”
“Làm sao để người bệnh chuẩn bị cho tình huống xấu nhưng ít bị sốc?”
Trước những thay đổi và bất định trong cuộc sống, giao tiếp với bệnh nhân ung thư rất cần sự lắng nghe, thấu cảm và khéo léo truyền đạt thông tin đúng thời điểm. GS.TS.BS. Shirai Keisukei, khoa Huyết học và Ung thư Nội khoa, Đại học Y khoa Dartmouth (Hoa Kỳ) đã chắt lọc những câu nói và nhận thức hữu ích trong quá trình khám chữa bệnh để biên soạn thành bản lịch chứa 31 thông điệp tinh gọn, như kim chỉ nam giúp cải thiện hiệu quả làm việc nhóm trong y tế. Cuốn lịch đề cao sự quan tâm và trao quyền cho bệnh nhân, cụ thể qua các việc lắng nghe và thấu hiểu, tư vấn và động viên, cũng như định hướng và gợi mở để cùng người bệnh tìm ra đồng thuận chung.
Nhận ra sự hữu ích của tài liệu này (hiện đã có phiên bản quốc tế), Tổ chức Y học cộng đồng và Bernard Healthcare đã cùng biên dịch và thiết kế để Việt hoá với tâm nguyện lan tỏa những thông điệp này đến nhân viên y tế và người chăm bệnh nhân ung thư tại Việt Nam.
Nhận xét về cuốn lịch với hình ảnh trang nhã, nội dung hữu ích vừa ra mắt, BS CKII Trần Đình Thanh, Trưởng khoa Ung bướu, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ: “Tôi đặc biệt tâm đắc với thông điệp số 19: Không chữa lành không có nghĩa là không còn gì để làm”. Bác sĩ kể lại các trường hợp cụ thể bị ung thư giai đoạn 4 nhưng vẫn có chất lượng sống khá tốt, dài lâu với hỗ trợ của y học hiện đại, ví dụ như các thuốc nhắm đích thế hệ mới. Ngay cả khi không còn chỉ định hoá trị, nhiều bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt ổn định và có thêm những kỷ niệm ý nghĩa với người thân nhờ chăm sóc giảm nhẹ hợp lý.
Cuộc chiến Ung thư cần sự đồng lòng của tập thể nhân viên y tế, người thân, bệnh nhân
Tại buổi hội thảo, các diễn giả và khách mời cũng thảo luận đa chiều về những tình huống khác nhau xảy ra trên thực tế. Nhiều thông điệp ý nghĩa được chia sẻ như "Quan tâm và trao quyền", "Không chữa khỏi # Không còn gì để làm"...
Tiến sĩ Phạm Nguyên Quý, Bác sĩ Trưởng, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản và là Đồng sáng lập Tổ chức Y học Cộng đồng cũng chia sẻ một tâm huyết: “Không phải là chữa lành hay không lành; đồng hành cùng bệnh nhân trong cuộc đời của họ mới là công việc của chúng ta. Đối với tôi, 31 thông điệp từ bản lịch đã mang lại những giá trị rõ rệt khi thực hành chăm sóc bệnh nhân ung thư. Mỗi lời khuyên như một “khẩu quyết” giúp phát huy sức mạnh tập thể và cải thiện năng suất làm việc nhóm tốt hơn trong điều trị ung thư.”
Là người hơn 20 năm trực tiếp chăm sóc, đồng hành cùng nhiều người thân rủi ro, mắc ung thư giai đoạn muộn, bà Nguyễn Nam Phương - Tổng giám đốc Bernard Healthcare tâm sự: "Tôi thấy việc đồng hành cùng bệnh nhân ung thư thực sự là một quá trình dài và cần nhiều kỹ năng giao tiếp với thấu cảm... Càng về sau, kết quả chăm sóc càng hiệu quả hơn khi có nhiều hơn kiến thức, kinh nghiệm về dinh dưỡng, chăm sóc tinh thần, phương pháp trị liệu khoa học, tìm được bác sĩ, nhân viên y tế tốt cùng đồng hành từ lúc phát hiện bệnh cho đến lúc chăm sóc cận tử… và cũng có người thân, chăm sóc đến lúc khoẻ hoàn toàn, sự sống bây giờ đã vượt qua năm thứ 8."
Teaser giới thiệu Lịch 31 lời khuyên giúp cải thiện làm việc nhóm trong y tế
Đặc biệt, ban tổ chức cũng dành tặng 20 món quà là 01 bản lịch để bàn chứa “31 lời khuyên về giao tiếp và làm việc nhóm trong điều trị ung thư” của GS.BS. Shirai Keisuke cho Quý bạn đăng ký sớm nhất.
Link đăng ký nhận lịch: https://tinyurl.com/2hmhdhxx
Bên cạnh Hội thảo “Giao tiếp với người bệnh ung thư”, mạng lưới Y học Cộng đồng và Bernard Healthcare cũng phối hợp, đồng hành trong Hội thảo “Tăng cường hợp tác đa ngành trong chăm sóc và điều trị ung thư” (VTOP) lần đầu được tổ chức tại Việt Nam cuối tháng 12 vừa qua.
Nghìn Lẻ Một Đêm Ca (K) là chương trình do Tổ chức Y học cộng đồng và bạn bè thực hiện với ý nguyện tạo ra sân chơi định kỳ để nhân viên y tế, bệnh nhân-người thân chia sẻ kiến thức, trải nghiệm liên quan tới ung thư và điều trị ung thư để có thêm sức mạnh tiến lên phía trước.
Đặt lịch khám, chữa bệnh
Có thể bạn quan tâm