Bernard đồng hành cùng hội thảo VTOP 2022 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam: “Tăng cường hợp tác đa ngành trong chăm sóc và điều trị ung thư”
Hội thảo VTOP (Vietnam Team Oncology Program) chủ đề “Tăng cường hợp tác đa ngành trong chăm sóc và điều trị ung thư” vừa được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 18 tháng 12 năm 2022 với sự tham dự của nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam thông qua hình thức kết hợp hội thảo trực tuyến và hội thảo tại chỗ cùng lúc.
Mô hình làm việc nhóm hiệu quả trong điều trị và chăm sóc ung thư
Ung thư là tập hợp của nhiều bệnh lý phức tạp, thường cần điều trị và chăm sóc theo nhóm đa mô thức và đa ngành. Hiện nay, các nhóm y tế đã được hình thành ở hầu hết các bệnh viện để thực hiện nhiều loại công việc khác nhau phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, chất lượng chăm sóc, điều trị và mức độ hài lòng của bệnh nhân vẫn còn rất khác nhau, tùy theo năng lực của nhân viên y tế, loại hình tổ chức và hệ thống thông tin liên lạc tại mỗi cơ sở y tế cũng khác nhau.
Làm việc nhóm (teamwork) tốt trong ung thư sẽ phát huy sức mạnh tập thể nhằm giúp bệnh nhân ung thư:
- Được chăm sóc tốt hơn
- Điều trị hiệu quả hơn
- Nhân viên y tế đỡ áp lực, kiệt sức hơn
JTOP (Japan Team Oncology Program) - Mô hình làm việc nhóm trong ung thư, đến từ Nhật Bản
Nhận thức rõ hiệu quả cũng như khó khăn khi triển khai mô hình làm việc nhóm tại nhiều cơ sở y tế, GS.TS.BS.Ueno Naoto và đồng nghiệp tại Trung tâm Ung thư MD Anderson (Hoa Kỳ) đã xem làm việc nhóm trong ung thư như một dạng khoa học và đã khởi xướng hoạt động giới thiệu cách tiếp cận mới mô hình này đến Nhật Bản thông qua chương trình Japan Team Oncology Program (JTOP) từ năm 2000.
Sau hơn 20 năm hoạt động đào tạo, chia sẻ và mở rộng mạng lưới, JTOP đã đưa mô hình nhóm y tế trở thành thường quy và không ngừng cải tiến với sự tham gia của nhiều thành viên đến từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
VTOP (Vietnam Team Oncology Program) lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam
Tiếp nối sứ mệnh phổ biến kiến thức khoa học, kinh nghiệm về làm việc nhóm, sử dụng giao tiếp xã hội để thúc tiến việc chăm sóc ung thư đa mô thức, trong đó bệnh nhân và thành viên khác không phải nhân viên y tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng có thể cùng tham gia của JTOP; VTOP được ra mắt tại Việt Nam.
VTOP được kỳ vọng kết nối nhiều nguồn lực xã hội cùng hướng về mục tiêu chung “vì bệnh nhân ung thư”. Nhiều hoạt động VTOP sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian sắp tới thông qua nhiều hình thức: diễn đàn, hội thảo, hội nghị, các buổi chia sẻ tại chỗ, trực tuyến hoặc kết hợp cả hai.
VỀ HỘI THẢO “TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC ĐA NGÀNH TRONG CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ”
Sự kiện Hội thảo “Vietnam Team Oncology Program 2022” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, dành cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế… với sự chia sẻ của các diễn giả là các chuyên gia trong ngành đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam:
- Giáo Sư Winnie So - Chủ tịch Hiệp Hội Điều Dưỡng Ung Thư Quốc Tế
- Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Naoto Tada Ueno - Trung Tâm Ung Thư MD Anderson, Đại học Texas (Hoa Kỳ)
- Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Keisuke Shirai - Trung tâm Ung thư Norris Cotton (Hoa Kỳ)
- Tiến sĩ, Bác sĩ Hishashi Suyama - Bệnh viện Đại học Tottori (Nhật Bản)
- Tiến sĩ, Dược sĩ Masami Tsuchiya - Trung tâm Ung thư Miyagi (Nhật Bản)
- Phó Giáo sư, Bác sĩ Huynh Wynn Tran, Wynn Medical Center, Đại học Y khoa California Northstate (Hoa Kỳ)
- Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Công Định, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội (Việt Nam)
- Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Nguyên Quý, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản)
Cùng sự tham luận của các bác sĩ đa chuyên khoa đến từ Bernard Heallthcare và các bệnh viện trên cả nước.
Chương trình mang lại những kiến thức và kỹ năng cần thiết để cải thiện và phát triển Nhóm chăm sóc - điều trị ung thư đa ngành tại nơi đang làm việc.
Hội thảo diễn ra dưới hình thức kết hợp hội thảo trực tuyến và hội thảo tại chỗ cùng lúc, đồng thời tại 3 điểm cầu Bắc – Trung – Nam (trực tuyến và tham dự trực tiếp):
- Hà Nội: Bệnh viện Ung bướu Hà Nội
- TP. Huế: Bệnh viện Trung Ương Huế
- Hồ Chí Minh: Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard (Bernard Healthcare)
Nội dung chương trình:
Bên cạnh phần chia sẻ của các diễn giả, còn có các phần thảo luận nhóm với nhiều vấn đề đặt ra rất “sát sườn”, những tình huống cụ thể, thường gặp trong thực tế khi làm việc nhóm, đa ngành, đa quốc gia, đặc biệt trong mảng Ung thư. Ví dụ như: Hóa trị bổ trợ để giảm nguy cơ tái phát nhưng bệnh nhân bị tê tay tăng dần dễ bị té ngã: Nhóm chăm sóc cần làm gì để giúp người bệnh?...
Chung tay vì bệnh nhân ung thư
Y học cộng đồng là tổ chức giáo dục sức khỏe uy tín và chất lượng, hoạt động phi lợi nhuận, tạo ra mạng lưới kết nối 3 nhóm đối tượng chính là: bác sĩ và sinh viên Y; bệnh nhân và người thân; những người quan tâm đến sức khỏe…thông qua việc cung cấp kiến thức y học chính xác; tổ chức các hội thảo khoa học…
VTOP 2022 cũng là sự kiện mở đầu cho chuỗi đồng hành, phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị y tế: Trung tâm giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Hà Nội, bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Tổ chức Y Học Cộng Đồng, bệnh viện Trung Ương Huế, Bernard Healthcare và các đơn vị y tế khác… trong mảng Ung thư tại Việt Nam.
Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Nguyên Quý – Bác sĩ trưởng, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản - Đồng sáng lập Tổ chức Y học Cộng đồng, đã cùng mang VTOP về Việt Nam chia sẻ: “Chương trình VTOP nhằm giúp nuôi dưỡng những nhà lãnh đạo tiềm năng trong ngành ung thư, những người thúc tiến chăm sóc đa ngành và đa mô thức lấy người bệnh làm trung tâm. Chúng tôi tìm thấy ở các đơn vị y tế tại Việt Nam như bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, bệnh viện Trung Ương Huế, Bernard Healthcare… sự đồng điệu về sứ mệnh và tầm nhìn vì cộng đồng. Như Bernard Healthcare còn có mô hình đa chuyên khoa trong tầm soát và điều trị; tương đồng với mô hình làm việc nhóm mà Y học Cộng đồng nói chung, VTOP nói riêng đang nỗ lực phát triển.
Bà Nguyễn Nam Phương – Tổng Giám đốc Bernard Healthcare chia sẻ: “Là thành viên Hiệp hội Ningen Dock Nhật Bản; có liên kết hợp tác với các bệnh viện Nhật Bản; phát triển mô hình Tầm soát sớm, chuyên sâu của Nhật tại Việt Nam; Bernard vinh dự được là một mảnh ghép nhỏ trong mạng lưới Y học Cộng đồng, cùng thực hiện các hoạt động chung tay vì sức khỏe người dân Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nêu cao vai trò của Y học dự phòng. Đồng thời, Bernard đánh giá cao ý nghĩa và hoạt động của Y học Cộng đồng, mong muốn được gắn kết nhiều hơn và đồng hành xuyên suốt với VTOP nói riêng và các hoạt động của Y học Cộng đồng nói chung.”