Hội thảo nâng cao chất lượng điều trị ung thư thông qua phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành
Hội thảo V-TOP (Vietnam Team Oncology Program) 2024 năm thứ 2 với chủ đề "Nâng cao chất lượng điều trị ung thư qua phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành" vừa diễn ra vào ngày 24/3/2024 với sự tham dự của nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia ung thư Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam.
Phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành góp phần nâng cao chất lượng điều trị ung thư
Phát triển từ J-TOP (mạng lưới y học thúc đẩy mô hình làm việc nhóm trong ung thư, từ Nhật Bản) V-TOP đã ra mắt tại Việt Nam từ năm 2022. Năm nay, hội thảo được tổ chức đồng thời dưới hình thức trực tuyến tại Nhật Bản, Hoa Kỳ và trực tiếp tại Việt Nam, đồng thời ở 3 điểm cầu Hà Nội: Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, TP. Huế: Bệnh viện Trung Ương Huế, TP. Hồ Chí Minh: Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard (Bernard Healthcare).
Ung thư được xếp vào bệnh mạn tính, phải điều trị kéo dài, đòi hỏi sự phối hợp từ các bác sĩ đa khoa điều trị về mặt chuyên môn, điều dưỡng chăm sóc, đến các dược sĩ, các chuyên viên hỗ trợ tâm lý…Ung thư còn là tập hợp của nhiều bệnh lý phức tạp, cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị, gọi là đa mô thức. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đã hình thành các nhóm y tế đa ngành để phục vụ người bệnh, tuy nhiên chất lượng điều trị và mức độ hài lòng của bệnh nhân vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của nhân viên y tế (NVYT), loại hình tổ chức và hệ thống thông tin liên lạc.
Vì vậy, để phát huy sức mạnh tập thể, tăng cường sự hợp tác giữa NVYT với bệnh nhân và gia đình, việc tổ chức làm việc theo nhóm là vô cùng cần thiết.
Hội thảo nâng cao chất lượng điều trị ung thư qua phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành V-TOP 2024 nhằm lan toả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về khoa học nhóm và làm việc nhóm từ các quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản và Hoa Kỳ, đồng thời tiếp nối những thành quả từ hội thảo lần 1 năm 2022.
Tăng cường trao đổi thông tin để đảm bảo phối hợp nhóm hiệu quả
Trong buổi hội thảo, các học viên đã được tiếp cận kiến thức về Nhóm đa ngành trong quản lý ung thư vú di căn từ GS. Naoto T. Ueno - Giám đốc Trung tâm Ung thư Đại học Hawaii – Nhà sáng lập J-TOP. Giáo sư đã đưa ra khái niệm về mô hình ABC trong chăm sóc đa ngành của ung thư, trong đó, bệnh nhân là trung tâm.
Ngoài ra còn có chủ đề về “Tự nhận thức bằng MBTI và quản lý xong đột khi làm việc nhóm” – Tổng kết từ bài giảng của TS. Hisashi Suyama – Trưởng khoa Nội Ung bướu, Bệnh viện Đại học Tottori (Nhật Bản) và “An toàn tâm lý – Thông điệp quan trọng để cải thiện giao tiếp nhóm” - Tổng kết bài giảng của TS. Keisuke Shirai - Giáo sư thuộc Bộ môn Huyết học/Ung thư, Khoa Y, Trường Y khoa Geisel, Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ) với những lời khuyên để tổ chức làm việc nhóm hiệu quả hơn, đảm bảo lợi ích cho các thành viên.
Từ những kiến thức được học, các thành viên của V-TOP đã cùng nhau thảo luận nhóm và giải quyết tình huống giả định về mâu thuẫn khi làm việc nhóm dưới sự hướng dẫn của các “mentor”.
Đầu cầu Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn là việc thiếu sự phối hợp giữa các thành viên, do kỹ năng giao tiếp và sự khác nhau về vai trò, chức năng của các vị trí. Để giải quyết vấn đề, đầu cầu Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đề xuất tăng cường trao đổi chuyên môn giữa các thành viên nhóm, trong đó bệnh nhân và gia đình cần được lắng nghe và tham gia thảo luận.
“Chúng ta cần xây dựng bộ quy tắc làm việc chung, trong đó tôn trọng ý kiến của bác sĩ và thành viên nhóm, đồng thời có lịch thảo luận định kỳ để cập nhật tiến độ, kết quả điều trị”. – Bác sĩ Bùi Lê Nhật Tiên – Đại diện thành viên V-TOP từ đầu cầu TP.HCM, Bernard Healthcare đưa ý kiến.
Phần thảo luận của các thành viên V-TOP được các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia quốc tế đánh giá cao. TS. BS. Phạm Nguyên Quý, Giám đốc y khoa, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Kyoto Miniren (Nhật Bản) - Đồng sáng lập Tổ chức Y học Cộng đồng – Đại diện BTC V-TOP 2024 cho biết: “Dù chỉ có tầm 3 tiếng thảo luận ngắn ngủi, các nhóm đều hoàn thành bài trình bày với chất lượng cao. Các thành viên đã trải nghiệm được những khó khăn khi làm việc nhóm đa ngành, trong đó khó nhất là giữ vững môi trường an toàn tâm lý, thúc đẩy mọi người phát biểu ý kiến mà vẫn tôn trọng ý kiến khác biệt, từ đó đi tới đồng thuận chung. Sau hội thảo, chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình thúc tiến khoa học làm việc nhóm đa ngành về ung thư tại Việt Nam.”
Theo suckhoedoisong.vn