VTOP (Vietnam Team Oncology Program) lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam với kỳ vọng kết nối nhiều nguồn lực xã hội cùng hướng về mục tiêu chung “vì bệnh nhân ung thư”.
Tầm quan trọng trong giao tiếp và cách thức làm việc nhóm hiệu quả
Hội thảo VTOP 2022 (Vietnam Team Oncology Program) chủ đề “Tăng cường hợp tác đa ngành trong chăm sóc và điều trị ung thư” vừa được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 18/12/2022. Nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam vừa tham gia trực tuyến và tại chỗ cùng lúc.
Tại hội thảo, GS-TS-BS Keisuke Shirai, Trung tâm Ung thư Norris Cotton (Hoa Kỳ), đã trình bày đề tài “Giao tiếp nhóm và an toàn tâm lý”.
GS Keisuke đề cập sự quan trọng trong giao tiếp và cách thức làm việc nhóm hiệu quả. Trong đó, đề cao sự thấu hiểu và thấu cảm đối với bệnh nhân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bệnh nhân, trao quyền để bệnh nhân có thể lựa chọn.
“Điều này đòi hỏi nhân viên y tế có sự nhạy cảm xã hội và có một đội ngũ hợp tác hiệu quả. Đội ngũ này phải bổ sung cho nhau, tôn trọng sự khác biệt và ý kiến chuyên môn của nhau. Bên cạnh đó, tạo ra môi trường để mọi người sẵn sàng chia sẻ, thoải mái đưa ra ý kiến và trao đổi thẳng thắn. Đây được gọi là an toàn tâm lý. Một khi có sự an toàn tâm lý, mọi người dễ dàng đưa ra quan điểm và bảo vệ, tranh luận để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất” – GS Keisuke chia sẻ.
“Thêm một kỹ năng quan trọng cho làm việc theo nhóm, đó là tự nhận thức về bản thân, tư duy giao tiếp của mình và người xung quanh. Ngoài ra, biết cách xử lý mâu thuẫn và tạo môi trường an toàn về tâm lý để đồng đội được chia sẻ quan điểm thoải mái” - GS Keisuke nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc chăm sóc ung thư đa mô thức, trong đó bệnh nhân và thành viên khác không phải nhân viên y tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng có thể cùng tham gia.
GS.TS.BS.Ueno Naoto và đồng nghiệp tại Trung tâm Ung thư MD Anderson (Hoa Kỳ) đã xem làm việc nhóm trong ung thư như một dạng khoa học và đã khởi xướng hoạt động giới thiệu cách tiếp cận mới mô hình này đến Nhật Bản thông qua chương trình Japan Team Oncology Program (JTOP) từ năm 2000.
TS-BS Phạm Nguyên Quý, khoa Ung thư Nội khoa BV Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), cho biết ung thư là tập hợp của nhiều bệnh lý phức tạp. Do vậy, cần được điều trị và chăm sóc theo nhóm đa mô thức và đa ngành để đạt hiệu quả cao hơn...
“Hiện các nhóm y tế đã được hình thành ở hầu hết BV để thực hiện nhiều công việc khác nhau nhằm phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, chất lượng chăm sóc, điều trị và mức độ hài lòng của bệnh nhân khác nhau tùy vào năng lực của nhân viên y tế, loại hình tổ chức và hệ thống thông tin liên lạc tại mỗi BV” – TS-BS Quý cho biết thêm.
TS-BS Quý chia sẻ: “Làm việc theo nhóm trong điều trị ung thư sẽ phát huy sức mạnh tập thể, giúp bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, điều trị hiệu quả hơn và nhân viên y tế giảm áp lực, đỡ kiệt sức hơn”.
Chia sẻ từ khách mời tham gia chương trình
Bên cạnh phần chia sẻ của các diễn giả, còn có các phần thảo luận nhóm với nhiều vấn đề đặt ra rất “sát sườn”, những tình huống cụ thể, thường gặp trong thực tế khi làm việc nhóm, đa ngành, đa quốc gia, đặc biệt trong mảng Ung thư.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, bệnh viện thành phố Thủ Đức chia sẻ: "Ung thư được xếp là bệnh mạn tính, cần điều trị kéo dài. Như vậy, theo thời gian bệnh nhân không chỉ có bệnh ung thư, mà còn thể mắc một số bệnh lý khác như tiểu đường (đái tháo đường), tim mạch... Đòi hỏi các Dược sĩ, nhà dinh dưỡng, nhà hỗ trợ tâm lý và các bác sĩ chuyên môn cùng phối hợp để điều trị bệnh"
"Chương trình làm việc nhóm, chăm sóc cho bệnh nhân như VTOP rất hữu ích đối với không chỉ nhân viên y tế chúng tôi, mà những thông tin khoa học có cơ sở như thế này còn lan tỏa đến người bệnh, người nhà nhiều hơn. Để khi họ gặp phải những khó khăn trong quá trình điều trị bệnh lý ung thư, họ biết được nên đi đến đâu, tìm đến đơn vị nào để được chăm sóc." – Dược sĩ Lương Thị Hương Giang chia sẻ thêm sau chương trình.