Là đối tác chiến lược nên khi Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard (Bernard Healthcare) triển khai Ningen Dock tại Việt Nam, Bệnh viện Đại học Yamanashi (Nhật Bản) cũng theo sát chất lượng chuyên môn, nổi bật là việc thiết lập trung tâm chẩn đoán hình ảnh ngay trong lòng bệnh viện để kịp thời xử lý thông tin hội chẩn, thảo luận chuyên môn từ xa, đọc chéo kết quả bệnh lý từ Bernard.
Tháng 9.2024, trong chuyến công tác báo cáo tại hội nghị Ningen Dock Nhật Bản, Bernard Healthcare trở về làm việc cùng Bệnh viện Đại học Yamanashi (trực thuộc Trường Đại học Yamanashi, nằm trong top 6,4% trường đại học tốt nhất thế giới).
Chẩn đoán hình ảnh Bernard trong lòng Bệnh viện Đại học Yamanashi
Được thành lập năm 1983, suốt 40 năm qua Bệnh viện Đại học Yamanashi (The University of Yamanashi Hospital) không ngừng lớn mạnh với mô hình viện - trường, và hiện là bệnh viện công lập tuyến cuối của khu vực.
Thế mạnh của bệnh viện là điều trị các bệnh lý nội và ngoại khoa thuộc các chuyên khoa sâu về tiêu hóa, tim mạch, thần kinh, tiết niệu, ung thư,… Bệnh viện cũng phát triển mạnh khoa chẩn đoán hình ảnh (CĐHA), hình ảnh học can thiệp cũng như nổi tiếng về trị liệu ung thư đa mô thức, đặc biệt về xạ trị.
Đây là một trong những bệnh viện đầu tiên trên thế giới có hệ thống máy gia tốc tuyến tính tích hợp CT được ứng dụng trong xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (Image Guided Radiation Therapy - IGRT). Khoa xạ trị có đội ngũ đa ngành, cung cấp phương pháp điều trị ung thư xâm lấn tối thiểu với độ chính xác cao hàng đầu Nhật Bản. Khoa có ba đơn vị xạ trị (Xạ trị chiếu ngoài bằng hệ thống máy gia tốc tuyến tính LINAC, Xạ trị xoắn ốc Tomotherapy và Xạ trị áp sát - Brachytherapy) và các hệ thống xạ trị chùm tia Proton, xạ trị bằng robot CyberKnife, tạo thành một hệ thống xạ trị đầy đủ và chuyên sâu, cho phép thực hiện gần như tất cả kỹ thuật xạ trị.
Ít ai biết rằng, trong khu vực CĐHA của Bệnh viện, có những bác sĩ cùng hệ thống máy tính được tích hợp giải pháp công nghệ tiên tiến đang đọc và xử lý dữ liệu cận lâm sàng từ Bernard Healthcare VN. Đặc biệt, bệnh viện còn ưu ái cho phép Bernard thiết lập một khu vực riêng trong này.
Bernard Healthcare và Bệnh viện Đại học Yamanashi hợp tác ra sao?
Bệnh viện Đại học Yamanashi cùng tham gia vận hành Ningen Dock Bernard, đảm nhiệm đọc chéo toàn bộ kết quả MRI, CT và kiểm soát chất lượng CĐHA cho tất cả khách hàng/bệnh nhân khám Ningen Dock hoặc tầm soát chuyên sâu ung thư, nguy cơ đột quỵ, mạch máu,… tại Bernard.
Hai bên đã cùng xây dựng quy trình 3 lớp đọc - kiểm tra chéo - thảo luận chuyên môn chặt chẽ, cụ thể: Hai bên tiến hành đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh song song và độc lập (lớp thứ nhất).
Trường hợp có nghi ngờ bệnh lý phức tạp như ung thư, Bệnh viện Đại học Yamanashi sẽ kích hoạt quy trình đọc chéo bởi các bác sĩ CĐHA, bác sĩ lâm sàng tại bệnh viện trước khi trả kết quả (lớp thứ hai). Đồng thời, các bác sĩ hoặc/và Hội đồng Y khoa Bernard cũng tiến hành hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia CĐHA tại Bernard, đưa ra kết luận sơ bộ.
Trong trường hợp có sự khác biệt kết quả, hai bên sẽ thảo luận trực tuyến. Nếu sau hội chẩn vẫn chưa có sự đồng thuận, Bernard sẽ chịu trách nhiệm thông báo kết quả cuối cùng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả đánh giá từ phía bệnh viện để đảm bảo sự minh bạch (lớp thứ ba).
Triển khai mô hình Ningen Dock tại Việt Nam, Bernard mang đến cơ hội tốt hơn cho khách hàng nhờ hợp tác chiến lược với Bệnh viện Đại học Yamanashi. Quy trình Ningen Dock tại Bernard tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản, với việc kiểm tra chéo tại các trạm khám và hồ sơ y khoa. Đặc biệt, tất cả ca MRI/CT đều được Bệnh viện Đại học Yamanashi đọc chéo kết quả.
Theo báo cáo "Chuyển đổi mô hình chăm sóc sức khỏe: Sự ra đời và tác động của Ningen Dock tại Việt Nam" trình bày tại Hội nghị Ningen Dock lần thứ 65, sau ba năm (2021 - 2023), Ningen Dock tại Bernard đã thực hiện gần 1.000 lượt tầm soát chuyên sâu, giúp phát hiện và điều trị sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là các trường hợp ung thư, bệnh lý tim mạch (phình mạch máu, tắc hẹp mạch máu, nguy cơ đột quỵ,...).
Nguồn: Báo Thanh Niên