Các bác sĩ từ lâu đã cảnh báo biến chứng loét bàn chân do bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là nguyên nhân phổ biến nhất khiến người bệnh phải cắt cụt chân (đoạn chi dưới) mà không phải do chấn thương.
3 nhóm biến chứng tấn công bàn chân bệnh nhân tiểu đường
Thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ (ADA) đã chỉ ra rằng có khoảng 5%-10% bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) bị biến chứng loét bàn chân và tỉ lệ cắt cụt chân vì không được điều trị kịp thời cao gấp 50 lần so với người không bị bệnh. Có 3 nhóm biến chứng loét bàn chân ở người bệnh tiểu đường:
- Loét thần kinh: Bệnh nhân tiểu đường thường gặp biến chứng tổn thương thần kinh, đặc biệt là thần kinh ngoại biên. Theo đó, người bệnh bị rối loạn cảm giác, giảm cảm giác ở chân nên khi bị bỏng hay bị thương ở chân sẽ không có cảm giác đau đớn, không được phát hiện và chữa trị sớm dẫn đến lở loét ở chân.
- Loét mạch máu: Xơ vữa động mạch ở bệnh nhân tiểu đường được cho là nguyên nhân phổ biến gây nên loét mạch máu. Các mảng xơ vữa gây tắc hẹp mạch máu, làm giảm lượng máu đến các chi, dẫn đến thiếu máu cục bộ và gây loét mạch máu. Loét mạch máu khi không được chữa trị kịp thời sẽ làm hoại tử, dẫn đến kết cục phải đoạn chi.
- Loét nhiễm trùng: Người bệnh tiểu đường nếu không chăm sóc vết thương cẩn thận sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn người không mắc bệnh. Lý do: đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đồng thời, người có bệnh lý tiểu đường, hệ miễn dịch sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn, đây là yếu tố thuận lợi để nhiễm trùng lan rộng. Nhiễm trùng là biến chứng nguy hiểm, có thể gây đoạn chi, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vậy làm sao để phòng ngừa biến chứng?
Theo Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF), 85% trường hợp cắt cụt chân ở bệnh nhân tiểu đường có thể ngăn ngừa được nếu biết cách chăm sóc bàn chân đúng cách. Cụ thể là theo các hướng dẫn sau:
+ Cắt ngang móng chân, dũa mép móng. Không nên lấy khóe hoặc bo tròn móng, dễ gây các vết loét ở chân, nhiễm trùng.
+ Không ngâm chân vào nước nóng, không hơ đèn, hơ lửa
+ Luôn mang giày dép, tránh đi giày dép cao gót và nhọn đầu. Chọn giày dép mềm, rộng vừa phải, không quá chật
+ Kiểm tra thường xuyên 2 bàn chân, nhất là lúc đi ra ngoài về hoặc trước khi đi ngủ để phát hiện sớm vết thương và điều trị kịp thời
+ Vệ sinh bàn chân mỗi ngày, rửa chân bằng nước sạch, lau khô bằng khăn mềm, nhất là vùng kẽ ngón
+ Nên thoa kem giữ ẩm da nếu da chân bị khô để làm mềm da, tránh nứt da. Tránh thoa kem vào giữa các kẽ ngón
+ Nên mang vớ, chọn vớ mềm, đàn hồi, hút ẩm (len hoặc cotton)
+ Bàn chân có nốt chai cần tới trung tâm chăm sóc vết thương để được cắt gọt và hướng dẫn chăm sóc định kỳ
Người tiểu đường cần làm gì khi có vết thương ở chân?
Vết thương hở dù to hay nhỏ đều có thể là ổ môi trường để vi khuẩn xâm nhập và có nguy cơ gây tình trạng nhiễm trùng, vì vậy người bị tiểu đường không nên chủ quan với các vết xước, vết thương nhỏ, nên chăm sóc vết thương và giữ vệ sinh vùng da xung quanh, không tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vết thương.
Đồng thời, khi đường huyết cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây ra tình trạng nhiễm trùng. Để hạn chế tình trạng nhiễm trùng, bệnh nhân nên ăn uống khoa học, duy trì thể dục nhẹ nhàng và uống thuốc tiểu đường theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết.
Lưu lượng máu đến vết thương là một trong những yếu tố giúp vết thương mau lành. Để quá trình lành thương diễn ra thuận lợi, người bệnh nên hạn chế đi lại và hoạt động mạnh với chân đang có vết thương để giảm áp lực lên vết thương và không làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến vết thương.
Khi vết thương có các dấu hiệu bất thường, nhiễm trùng hoặc vết thương trên 2-4 tuần không lành, hãy thăm khám chuyên khoa ngay để kiểm tra chuyên sâu và can thiệp kịp thời với phác đồ điều trị phù hợp.
Đặt lịch khám chuyên khoa ngay qua Hotline (+84) 28 3535 2468 để được các chuyên gia tư vấn và điều trị kịp thời. Hãy để Bernard Wound Care giúp bạn “Giảm đau – Chữa lành – Hạn chế biến chứng”.