Người đái tháo đường nếu kiểm soát đường huyết tốt, sẽ giảm tỉ lệ tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh, giảm nguy cơ bị biến chứng loét bàn chân nguy hiểm.
Loét - biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường
Người đái tháo đường lâu năm, cơ thể khó kiểm soát được đường huyết, làm tổn thương đa cơ quan, đặc biệt là tổn thương thần kinh và mạch máu gây ra nhiều biến chứng. Trong đó, biến chứng loét bàn chân là một trong những biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất.
Vết loét gây đau đớn dai dẳng cho người bệnh, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể gây ra nhiều hậu quả khốc liệt: nhiễm trùng, hoại tử, cắt cụt chi, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Năm 2021, Tạp chí Chỉnh hình lâm sàng và Chấn thương đã đề cập đến biến chứng loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường với những con số đáng báo động:
- Có tới một phần ba trong số nửa tỷ người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới sẽ bị loét bàn chân trong suốt cuộc đời của họ.
- 85% trường hợp cắt cụt chi dưới là do biến chứng loét bàn chân.
- Tỷ lệ tử vong sau 5 năm đối với một người bị loét bàn chân do đái tháo đường đường cao gấp 2,5 lần so với nguy cơ ở một người mắc bệnh đái tháo đường không bị loét bàn chân.
Vết loét mãi không lành, có thể bạn đã bị đái tháo đường
Trung tâm vết thương chuyên sâu Bernard đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân khi đến thăm khám vết loét lâu lành, đã được phát hiện mắc đái tháo đường.
Như một bệnh nhân nữ (59 tuổi), đến thăm khám tại Bernard trong tình trạng có vết loét ở mắt cá chân nhiều tháng không lành, biến chứng nhiễm trùng nặng lan rộng. Sau khi thực hiện các kiểm tra tầm soát, bệnh nhân được chẩn đoán đã mắc đái tháo đường.
Một trường hợp khác đến với Bernard khi có vết loét nhiễm trùng ăn sâu ở mu bàn tay. Bệnh nhân được thực hiện kiểm tra chuyên sâu, kết quả kiểm tra đường huyết cho thấy bệnh nhân có bệnh lý đái tháo đường. Người bệnh rất ngạc nhiên và lo lắng vì trước đó không hề biết mình đã bị bệnh đái tháo đường.
Một vết loét mãi không lành, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đã mắc bệnh lý đái tháo đường. Hãy thăm khám ngay chuyên khoa vết thương để được điều trị phù hợp.
“Giai đoạn vàng” để ngăn chặn diễn tiến xấu
Bệnh đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa mạn tính, một người khi đã mắc bệnh thì sẽ sống chung với bệnh đái tháo đường cả đời. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự phòng, phát hiện sớm và ngăn được diễn tiến thành bệnh nhờ giai đoạn tiền đái tháo đường.
Theo tạp chí Clinical Diabetes and Endocrinology, cứ 4 người mắc tiền đái tháo đường có 1 người tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 trong vòng 3-5 năm nếu không có sự can thiệp.
Tiền đái tháo đường chưa phải là bệnh, chỉ số đường huyết ở giai đoạn này cảnh báo mức đường huyết cao hơn mức bình thường. Đây là “giai đoạn vàng” để ngăn chặn diễn tiến thành bệnh mạn tính. Và nếu điều chỉnh lối sống, dinh dưỡng, vận động, thì có thể kiểm soát đường huyết trở về mức bình thường. Vì vậy việc tầm soát sớm để kịp thời phát hiện, kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây tiền đái tháo đường là rất quan trọng.
Với người đã bị đái tháo đường thì kiểm soát đường huyết là yếu tố tiên quyết thông qua việc tuân thủ uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ; chú trọng dinh dưỡng, tập luyện. Đồng thời bệnh nhân cũng cần có thói quen chăm sóc bàn chân đúng cách. Bên cạnh việc tái khám nội tiết định kỳ, người đái tháo đường cần thăm khám chuyên sâu vết thương để được tầm soát phát hiện sớm các nguy cơ gây biến chứng loét bàn chân đái tháo đường.
Trong trường hợp bạn có bệnh lý đái tháo đường và xuất hiện các vết thương lâu lành, đặt lịch thăm khám chuyên khoa vết thương qua hotline (028) 3535 2468 hoặc liên hệ qua email: care@bernard.vn