Loét bàn chân đái tháo đường là một biến chứng ngày càng phổ biến ở người có bệnh lý tiểu đường hiện nay. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) vẫn chưa được hướng dẫn cách tự chăm sóc và phòng ngừa biến chứng này.
Những triệu chứng dễ bị xem nhẹ của loét bàn chân do tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường lâu năm thường bị các biến chứng: tổn thương thần kinh ngoại biên, tổn thương mạch máu ngoại biên. Khi các tổn thương này kéo dài, có thể dẫn đến loét bàn chân ở người bệnh. Ngoài ra, khi các vết thương ở bàn chân không được chăm sóc đúng cách, bị nhiễm trùng cũng là nguyên nhân gây loét bàn chân ở người bệnh đái tháo đường.
Ở loét bàn chân do tổn thương các dây thần kinh ngoại biên, trong giai đoạn đầu bàn chân xuất hiện các triệu chứng biến đổi hình thái. Tuy nhiên sự biến đổi hình thái này không gây đau đớn nên nhiều người bệnh xem nhẹ các triệu chứng này, cụ thể như: các mảng xơ chai, cục chai dưới lòng bàn chân; bàn chân có ngón chân cong quặp xuống, vẹo ngón chân cái...
Trong khi đó, tổn thương mạch máu ngoại biên ở người tiểu đường gây tắc mạch máu, khiến bàn chân thiếu máu nuôi mô nên gây ra biến chứng loét. Khi tổn thương mạch máu bắt đầu xuất hiện, người đái tháo đường thường cảm thấy đau chân khi đi lại và chỉ hết đau khi nghỉ ngơi. Triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các bệnh đau xương khớp nên người bệnh thường bỏ qua. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đang bị tắc nghẽn mạch máu. Ngoài ra, một số triệu chứng khác của tổn thương mạch máu cũng thường bị xem nhẹ: vùng da ở chân bị khô, thưa lông, móng cong, các ngón chân màu hồng nhạt hay tím tái...
Đối với loét nhiễm trùng bàn chân ở người đái tháo đường thì được chia theo các cấp độ từ nhẹ tới nặng, lần lượt là: nhiễm trùng nông, nhiễm trùng sâu, nhiễm trùng huyết. Nếu người bệnh phát hiện sớm ở giai đoạn nhiễm trùng nông, điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Ở giai đoạn đầu của loét nhiễm trùng, các triệu chứng thường gặp mà người bệnh không chú ý như da hơi nóng, đỏ, sưng nhẹ.
Đừng chủ quan, một vết thương nhỏ có thể gây hậu quả khốc liệt!
Trên thực tế, nhiều người đái tháo đường hiện nay vẫn còn chủ quan với các vết thương nhỏ. Tuy nhiên, dù là vết thương nhỏ, nhưng đó có thể là ổ môi trường để vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi để gây nên tình trạng nhiễm trùng.
Như trường hợp của bệnh nhân nữ Đ.T.K.O (58 tuổi) đã được chẩn đoán tiểu đường hơn 6 năm nay. Khi ngón chân trỏ bàn chân phải có vết xước nhỏ, bệnh nhân đã chủ quan, nghĩ rằng vết xước vài hôm sẽ tự lành nên không thăm khám tại cơ sở y tế, chỉ uống thuốc điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, sau 2 tháng, vết thương diễn tiến nặng thành loét và có dấu hiệu nhiễm trùng. Đến khi bệnh nhân đến thăm khám, kết quả kiểm tra chuyên sâu cho thấy tình trạng nhiễm trùng đã ăn sâu vào xương, gây viêm xương dẫn đến phá hủy xương ngón trỏ. Bệnh nhân đã phải tháo ngón chân bị viêm xương, để tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng cả chân. Chỉ vì chủ quan với một vết xước nhỏ, bệnh nhân O. đã phải mất một ngón chân.
Các bác sĩ luôn cảnh báo, đối với người bệnh tiểu đường, nếu vết thương nhỏ nhưng không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng loét nhiễm trùng gây ra các hậu quả khốc liệt như: tháo ngón, tháo khớp, cưa cụt chân...
Làm sao để phòng ngừa biến chứng loét bàn chân đái tháo đường?
Bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết để hạn chế các biến chứng tổn thương đa cơ quan và tình trạng nhiễm trùng khi có vết thương. Bên cạnh việc dùng thuốc ổn định đường huyết theo hướng dẫn của BS Nội tiết, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, định kỳ đo đường huyết và tập thể dục đều đặn để kiểm soát đường huyết tốt.
Bên cạnh đó, người đái tháo đường nên có thói quen chăm sóc bàn chân mỗi tối sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ vết thương lâu lành. Một số thói quen chăm sóc bàn chân tốt cho người tiểu đường được các bác sĩ khuyên:
- Vệ sinh chân bằng nước mát, không ngâm chân nước nóng; lau khô bằng khăn, tránh chà xát.
- Thoa kem dưỡng ẩm cho bàn chân, các vùng da khô, không nên dưỡng ẩm ở các kẽ chân.
- Kiểm tra chân mỗi tối, ở lòng bàn chân, các kẽ chân để phát hiện sớm các vết trầy xước nhỏ.
Khi bệnh nhân tiểu đường xuất hiện các vết thương nhỏ, hãy liên hệ các chuyên gia để được tư vấn chăm sóc vết thương đúng cách. Ngoài ra, nếu các vết thương kéo dài trên 2 tuần không lành, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa vết thương để được chữa trị đúng cách, hiệu quả, tránh được tình trạng vết thương diễn tiến xấu, gây các biến chứng nguy hiểm.