Có đến 90% ca đột quỵ có thể phòng ngừa nếu kiểm soát tốt 10 yếu tố nguy cơ này
Cứ 4 người bình thường thì sẽ có 1 người mắc Đột quỵ, bất kể màu da, đây là thông điệp mới nhất từ Hội Đột quỵ thế giới "1 in 4 of us will have a stroke. DON'T BE THE ONE!"
Cứ 4 người bình thường thì sẽ có 1 người mắc Đột quỵ
Trước đây, theo thống kê từ Hội Đột quỵ thế giới (World Stroke Organization): Cứ 6 người trên 25 tuổi sẽ có ít nhất 1 người bị đột quỵ. Nhưng theo nghiên cứu mới nhất thực hiện trong gần 30 năm, được công bố năm 2019: Cứ 4 người trưởng thành sẽ có 1 người bị đột quỵ. Cảnh báo này cho thấy tỉ lệ mắc đột quỵ đã tăng lên đáng kể, 25%‼️
Đột quỵ đã giết chết nhiều phụ nữ hơn cả bệnh ung thư vú, giết chết nhiều nam giới hơn cả bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Đột quỵ đã khiến nhiều bệnh nhân sống trong tình trạng tàn phế, mất khả năng lao động, trong số họ có không ít là người thân, bạn bè và đồng nghiệp của chúng ta. Đáng lo ngại hơn khi đột quỵ đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa, bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi mắc đột quỵ ngày càng nhiều thay vì xuất hiện ở tuổi già như trước.
Trên thực tế, chỉ khoảng 10% số ca đột quỵ không tìm được nguyên nhân, còn lại hầu hết đều liên quan đến một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ/nguyên nhân gây đột quỵ. Đặc biệt là các YẾU TỐ NGUY CƠ CAO, DIỄN TIẾN ÂM THẦM gây đột quỵ như: Tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc lá, đái tháo đường, ... Nếu không được kiểm soát, quan tâm đúng mức thì khả năng gặp biến cố đột quỵ xảy ra gần như chắc chắn.
10 yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể điều chỉnh
“May mắn là khoảng 90% ca đột quỵ có liên quan đến các nguyên nhân/yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể phòng ngừa được”, Bác sĩ CKI. Đặng Nhất Tâm - Chuyên khoa Nội thần kinh Bernard chia sẻ.
Để tránh đột quỵ, mỗi cá nhân cần kiểm tra và kiểm soát tốt tất cả các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ Tâm cũng chia sẻ 10 nguyên nhân/yếu tố nguy cơ điển hình gây đột quỵ chúng ta có thể điều chỉnh được như:
- Kiểm soát tốt huyết áp
- Tập thể dục thường xuyên
- Chế độ ăn "heo thì"
- Giảm mỡ máu cholesterol
- Duy trì cân nặng hợp lý/BMI
- Tránh thuốc lá và nơi có khói thuốc lá
- Giảm/ngưng uống rượu bia
- Tầm soát và điều trị rung nhĩ
- Tầm soát và điều trị đái tháo đường
- Cân bằng yếu tố stress và nhận diện/điều trị trầm cảm (nếu có)
Bệnh Đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân chủ yếu cũng đến từ 10 yếu tố nêu trên! Điều nguy hiểm hơn là nhiều người không biết mình mang các yếu tố nguy cơ, vì các “thủ phạm” chính gây đột quỵ như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường thường có biểu hiện bệnh mơ hồ, diễn tiến âm thầm. Vì vậy, việc tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, cần nhận biết các biểu hiện bất thường là dấu hiệu đột quỵ để cấp cứu càng sớm càng tốt như:
+ Đột ngột tê hoặc yếu mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể
+ Đột ngột nhầm lẫn hoặc khó nói hoặc khó hiểu lời nói
+ Đột ngột khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt
+ Đột ngột gặp khó khăn khi đi bộ, chóng mặt hoặc mất thăng bằng hoặc phối hợp
+ Đau đầu dữ dội, đột ngột không rõ nguyên nhân
Đột quỵ có thể gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe, thậm chí tử vong nếu không được kiểm soát, điều trị tốt. Tiêu chuẩn vàng trong phòng ngừa đột quỵ là phải KIỂM SOÁT YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH MẠCH MÁU VÀ TIM MẠCH, đặc biệt cần: Chủ động tầm soát nguy cơ đột quỵ chuyên sâu; kiểm tra, thăm khám định kỳ và theo dõi thường xuyên các bệnh lý nền; thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, vận động…