Chẩn đoán chuyên sâu suy giãn tĩnh mạch: Đo áp lực tĩnh mạch chi dưới không xâm lấn bằng hồng ngoại
16/04/2025
Đo áp lực tĩnh mạch chi dưới không xâm lấn bằng hồng ngoại là phương pháp an toàn, không đau, hỗ trợ chẩn đoán chuyên sâu, chính xác bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Đo áp lực tĩnh mạch chi dưới là gì?
Áp lực tĩnh mạch chi dưới là chỉ số phản ánh khả năng lưu thông máu trở về tim từ hai chi dưới (chân). Việc đo chỉ số này có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý như suy giãn tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), hội chứng chèn ép tĩnh mạch và các rối loạn tuần hoàn chi dưới.

Công nghệ hồng ngoại không xâm lấn là gì?
Không xâm lấn có nghĩa là không cần can thiệp vào bên trong cơ thể như dùng kim tiêm hay phẫu thuật.
Trước đây muốn đo áp lực tĩnh mạch phải đâm kim vào trong lòng tĩnh mạch để nối với một hệ thống máy đo áp lực. Tuy là tiêu chuẩn vàng nhưng cách đo này sẽ gây đau cho bệnh nhân. Vì vậy, hiện nay nhiều trung tâm Mạch máu trên thế giới đề xuất phương pháp đo áp lực tĩnh mạch gián tiếp mà không cần phải đâm kim vào lòng tĩnh mạch, hay còn gọi là Đo áp lực tĩnh mạch chi dưới không xâm lấn bằng hồng ngoại hoặc áp lực tĩnh mạch đồ hồng ngoại (PPG - photoplethysmography).
Cơ chế hoạt động của PPG?
Thiết bị đo PPG sẽ chiếu ánh sáng hồng ngoại vào da (tương tự ánh sáng trong điều khiển TV). Ánh sáng này sẽ xuyên qua da và "gặp" máu trong mao mạch, tĩnh mạch. Máu càng nhiều, ánh sáng phản xạ lại càng nhiều.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: lượng ánh sáng phản xạ lại tỉ lệ thuận với áp lực trong tĩnh mạch. Nói cách khác, nhìn vào lượng ánh sáng phản xạ (biểu đồ tăng hay giảm), bác sĩ có thể biết được áp lực máu trong tĩnh mạch cao hay thấp.

Biểu đồ thu được từ thiết bị đo PPG có thể được chia thành hai phần:
- Khi bàn chân co duỗi
- Khi nghỉ
Hãy tưởng tượng: khi ta co duỗi bàn chân, máu trong tĩnh mạch sẽ được đẩy lên, nên biểu đồ PPG sẽ đi lên. Khi ta dừng lại, nếu tĩnh mạch khỏe mạnh bình thường thì máu sẽ từ từ chảy xuống và biểu đồ cũng từ từ về bình thường, mất khoảng 20-40 giây.
Nhưng ở người bị giãn tĩnh mạch nặng, do van tĩnh mạch bị hỏng nên máu cứ bị trào ngược xuống liên tục. Vì vậy trong lúc co duỗi bàn chân, biểu đồ cũng không tăng nhiều. Lúc nghỉ, máu cũng nhanh chóng dồn xuống chân, làm biểu đồ giảm rất nhanh. Biểu đồ càng giảm nhanh, suy giãn tĩnh mạch, trào ngược tĩnh mạch càng nặng.
Ứng dụng trong chẩn đoán chuyên sâu suy giãn tĩnh mạch chi dưới
PPG được ứng dụng để đo mức độ nặng của tình trạng suy tĩnh mạch, đánh giá sự thay đổi của áp lực tĩnh mạch khi nghỉ và khi vận động.
Phương pháp đo áp lực tĩnh mạch chi dưới bằng hồng ngoại đã được các Trung tâm tĩnh mạch lớn trên thế giới ứng dụng trong:
- Phát hiện sớm suy tĩnh mạch mạn tính
- Đánh giá hiệu quả sau điều trị can thiệp tĩnh mạch
- Theo dõi đáp ứng điều trị nén ép trong loét tĩnh mạch chi dưới
- Hỗ trợ lập kế hoạch điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng tuần hoàn chi dưới

Đo áp lực tĩnh mạch chi dưới bằng hồng ngoại đã được các Trung tâm tĩnh mạch lớn trên thế giới ứng dụng
Ưu điểm của phương pháp đo không xâm lấn bằng hồng ngoại
- Không đau, không gây tổn thương: Không cần chọc kim hay đưa thiết bị vào trong tĩnh mạch.
- Nhanh chóng, tiện lợi: Chỉ mất vài phút để thực hiện mà vẫn đảm bảo độ chính xác cao.
- An toàn tuyệt đối: Phù hợp cho mọi đối tượng, kể cả người cao tuổi hoặc bệnh nhân sợ kim tiêm.
- Theo dõi liên tục: Kiểm tra tiến triển bệnh hoặc đánh giá hiệu quả sau điều trị suy giãn tĩnh mạch.
Tại Việt Nam, Bernard Healthcare là trung tâm tiên phong và hiếm hoi có thiết bị đo áp lực tĩnh mạch chi dưới không xâm lấn bằng hồng ngoại (PPG), quy trình theo protocol chuẩn quốc tế và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên sâu (guidelines) của Hiệp hội tĩnh mạch thế giới; trực tiếp bác sĩ mạch máu giàu kinh nghiệm, là thành viên của Hiệp hội tĩnh mạch Châu Âu, Hoa Kỳ thăm khám, tư vấn và điều trị can thiệp.