japan-society-mb
HỆ THỐNG Y KHOA CHUYÊN SÂU QUỐC TẾ BERNARD
THÀNH VIÊN HIỆP HỘI NINGEN DOCK NHẬT BẢN
header-text
Trang chủThông tin Y khoa
Những lầm tưởng khiến phái nữ thường bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Những lầm tưởng khiến phái nữ thường bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa ung thư cổ tử cung

23/05/2025

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm - nhưng rất nhiều phụ nữ vẫn chủ quan, thậm chí chưa từng tầm soát đúng cách vì mắc phải những ngộ nhận phổ biến. Cùng khám phá 5 hiểu lầm thường gặp nhất - để không ai phải nói “Giá mà biết sớm hơn...”

Lầm tưởng 1: Còn khỏe thì không cần tầm soát ung thư cổ tử cung

Nhiều phụ nữ cho rằng khi cơ thể khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường hay tiền sử bệnh lý thì không cần thiết phải tầm soát ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Ung thư cổ tử cung là bệnh diễn tiến âm thầm, thường không gây ra biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi các triệu chứng xuất hiện như ra máu bất thường, đau vùng chậu hay rối loạn kinh nguyệt thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị lúc này sẽ phức tạp, tốn kém và khả năng hồi phục thấp hơn.

Điểm đáng lưu ý là ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm thông qua tầm soát định kỳ. Các xét nghiệm như Pap smear hoặc HPV test có thể phát hiện những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung trước khi chúng chuyển thành ung thư. Việc tầm soát khi đang "còn khỏe" chính là cách chủ động bảo vệ sức khỏe, can thiệp kịp thời và tránh những hối tiếc muộn màng.

Vì vậy, đừng chờ đến khi có dấu hiệu mới đi khám - hãy xem tầm soát là một phần trong lối sống chăm sóc sức khỏe chủ động và thông minh.

Lầm tưởng 2: Tầm soát ung thư cổ cung cũng giống như khám phụ khoa

Trên thực tế, khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung là hai hình thức kiểm tra sức khỏe hoàn toàn khác nhau, với mục đích và phương pháp riêng biệt.

Khám phụ khoa thường là bước kiểm tra tổng quát các cơ quan sinh dục nữ, bao gồm quan sát bên ngoài âm hộ, khám âm đạo, tử cung, buồng trứng,... để phát hiện các bệnh lý phụ khoa như viêm nhiễm, u xơ, lạc nội mạc tử cung,... Đây là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhưng không đủ để phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung.

Trong khi đó, tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm các xét nghiệm chuyên biệt như Pap smear (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) và HPV test (xét nghiệm virus gây ung thư cổ tử cung). Những xét nghiệm này giúp phát hiện sớm các tế bào bất thường có nguy cơ tiến triển thành ung thư, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.

Vì vậy, dù đã khám phụ khoa định kỳ, phụ nữ vẫn cần chủ động thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung theo khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe một cách toàn diện và kịp thời.

Lầm tưởng 3: Tầm soát ung thư cổ cung là chuyện của người lớn tuổi!

Nhiều người cho rằng chỉ phụ nữ trung niên hoặc lớn tuổi mới cần quan tâm đến ung thư cổ tử cung. Thực tế, đây là một quan niệm sai lầm có thể khiến bạn bỏ lỡ giai đoạn “vàng” trong phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.

Ung thư cổ tử cung chủ yếu do virus HPV gây ra - một loại virus lây truyền qua đường tình dục, có thể nhiễm ngay từ những năm đầu bắt đầu quan hệ. Chính vì vậy, phụ nữ trẻ, thậm chí mới ngoài 20 tuổi, đã có nguy cơ bị nhiễm HPV và phát triển tổn thương tiền ung thư mà không hề hay biết.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung từ năm 21 tuổi, ngay cả khi không có triệu chứng. Với nhóm tuổi từ 30-65, nên thực hiện xét nghiệm Pap smear hoặc kết hợp Pap smear và HPV test định kỳ mỗi 3-5 năm để theo dõi sát tình trạng sức khỏe.

Tóm lại, tầm soát ung thư cổ tử cung không phải là “việc của người già”, mà là hành động chủ động, cần thiết cho mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục - càng sớm càng tốt.

Lầm tưởng 4: Đã tiêm vaccine HPV không cần tầm soát ung thư cổ tử cung

Tiêm vaccine HPV là một bước tiến quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung, nhưng không đồng nghĩa với việc bạn có thể bỏ qua tầm soát định kỳ. Đây là hiểu lầm khá phổ biến, khiến nhiều phụ nữ chủ quan và có nguy cơ bỏ lỡ giai đoạn phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư.

Thực tế, vaccine HPV hiện nay chủ yếu phòng ngừa các chủng virus HPV nguy cơ cao phổ biến nhất (như HPV 16 và 18) - nguyên nhân gây ra khoảng 70-80% các ca ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20-30% trường hợp do các chủng HPV khác không nằm trong phạm vi bảo vệ của vaccine. Hơn nữa, vaccine có hiệu quả phòng bệnh cao nhất nếu được tiêm trước khi có quan hệ tình dục và chưa từng nhiễm HPV.

Vì vậy, ngay cả khi đã tiêm vaccine, bạn vẫn cần tầm soát định kỳ bằng Pap smear hoặc HPV test theo khuyến cáo. Đây là cách đảm bảo an toàn kép, vừa chủ động phòng ngừa, vừa phát hiện sớm để kịp thời xử lý nếu có bất thường. Đừng để cảm giác “an tâm” sau khi tiêm khiến bạn lơ là việc bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Lầm tưởng 5: Tầm soát ung thư cổ tử cung một lần là đủ

Nhiều phụ nữ cho rằng chỉ cần tầm soát ung thư cổ tử cung một lần, nếu kết quả bình thường thì không cần kiểm tra lại. Tuy nhiên, đây là một hiểu lầm nguy hiểm. Ung thư cổ tử cung thường phát triển âm thầm qua nhiều năm, bắt đầu từ những tổn thương nhỏ, dần tiến triển thành ung thư nếu không được theo dõi và xử lý kịp thời.

Một kết quả tầm soát âm tính ở hiện tại không đảm bảo rằng tương lai bạn sẽ không có nguy cơ. Các yếu tố như thay đổi nội tiết, hệ miễn dịch suy giảm, hoặc nhiễm mới virus HPV đều có thể khiến tình trạng sức khỏe thay đổi theo thời gian. Vì vậy, việc tầm soát định kỳ là vô cùng cần thiết.

Theo khuyến cáo, phụ nữ từ 21-29 tuổi nên thực hiện Pap smear mỗi 3 năm. Từ 30-65 tuổi, có thể kết hợp Pap smear và HPV test mỗi 5 năm hoặc tiếp tục Pap smear mỗi 3 năm. Việc tuân thủ đúng lịch tầm soát giúp phát hiện sớm các bất thường và xử lý kịp thời trước khi tiến triển thành ung thư.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc hiểu đúng và thực hiện tầm soát định kỳ là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe sinh sản và tính mạng của phụ nữ. Đừng để những lầm tưởng khiến bạn bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Hãy chủ động tầm soát và khuyến khích những người phụ nữ xung quanh bạn làm điều tương tự.

Chăm sóc sức khỏe phụ khoa chuyên sâu chuẩn Nhật tại Bernard Healthcare

Tại Hệ thống Y khoa Chuyên sâu Quốc tế Bernard, tầm soát ung thư cổ tử cung không chỉ là một xét nghiệm đơn lẻ, mà là một quy trình chặt chẽ, được cá nhân hóa và thực hiện theo mô hình Ningen Dock của Nhật Bản. 

Khách hàng được thăm khám bởi đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa giàu kinh nghiệm, sử dụng các phương pháp hiện đại như xét nghiệm HPV DNA test, Pap smear và soi cổ tử cung bằng thiết bị công nghệ cao.

Điểm khác biệt tại Bernard là khi phát hiện bất thường, kết quả sẽ được hội chẩn đa chuyên khoa. Trong một số trường hợp có thể gửi đối chiếu với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Yamanashi (Nhật Bản), đảm bảo độ chính xác tối đa. Ngoài ra, Bernard chú trọng đến sự riêng tư, nhẹ nhàng trong trải nghiệm, giúp phụ nữ an tâm khi thực hiện kiểm tra vùng nhạy cảm.

Tầm soát chuyên sâu tại Bernard không chỉ giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung mà còn đánh giá toàn diện sức khỏe sinh sản, hỗ trợ phát hiện các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai coi trọng sự an toàn, tỉ mỉ và y học dự phòng chuẩn quốc tế.

☎️ Đặt lịch tầm soát chuyên sâu ung thư cổ tử cung cùng bác sĩ chuyên khoa Sản Phụ khoa giàu kinh nghiệm tại Bernard Healthcare qua hotline (028) 3535 2468 hoặc tư vấn trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ

Đã copy link
Những lầm tưởng khiến phái nữ thường bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa ung thư cổ tử cung

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Có nên tầm soát ung thư tuyến giáp không?
Theo GLOBOCAN năm 2022, tại Việt Nam, có 6.122 ca mắc mới ung thư tuyến giáp (xếp thứ 6) với 858 ca tử vong. Tiên lượng của bệnh phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, mức độ ác tính của tế bào khối u và đặc biệt là tuổi tác của bệnh nhân. Thế nên, việc nhận biết sớm và tầm soát khi có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh tuyến giáp là vô cùng cần thiết.
Có đến 90% ca đột quỵ có thể phòng ngừa nếu kiểm soát tốt 10 yếu tố nguy cơ này
Cứ 4 người bình thường thì sẽ có 1 người mắc Đột quỵ, bất kể màu da, đây là thông điệp mới nhất từ Hội Đột quỵ thế giới "1 in 4 of us will have a stroke. DON'T BE THE ONE!"
Thường xuyên có vết thương lâu lành, cảnh báo có thể bạn đã mắc đái tháo đường
Thưa bác sĩ, một năm trở lại đây, khi mẹ tôi bị các vết thương nhỏ, vết xước ở chân cũng mất mấy tuần mới lành hẳn, không biết có phải mẹ tôi bị bệnh gì không?
Cơ hội vàng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch lâu năm hiệu quả
Theo thống kê, hơn 90% bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch tại Việt Nam hiện đang không được điều trị, phần lớn xuất phát từ tâm lý chủ quan không thăm khám, để bệnh tiến triển nặng qua nhiều năm.
Hội thảo trực tuyến “Dự phòng và chăm sóc loét tì đè ở bệnh nhân ung thư”
“Dự phòng và chăm sóc loét tì đè” là chủ đề của hội thảo trực tuyến Nghìn lẻ một đêm ca (K) kỳ 32 vừa được tổ chức thành công vào cuối tuần qua, tối ngày 16/04/2023.
Những thói quen đơn giản giúp phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư phổi
Phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ sẽ giúp tăng cơ hội điều trị thành công và giảm tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, việc tầm soát phát hiện sớm cũng giúp giảm chi phí so với việc điều trị bệnh ở giai đoạn muộn.
Những đối tượng nào cần chủ động tầm soát ung thư ngay từ sớm?
Mỗi năm Việt Nam có hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Có đến 80% trường hợp phát hiện ung thư đã ở giai đoạn muộn. Đối tượng nào cần chủ động tầm soát ung thư ngay từ sớm?
Ung thư tuyến giáp - Bạn có nguy cơ?
Đừng chờ đến khi cơ thể có triệu chứng báo động, cần chủ động kiểm tra yếu tố nguy cơ của bản thân để có kế hoạch tầm soát, phát hiện sớm ung thư tuyến giáp và điều trị kịp thời