Cảnh báo: Nắng nóng cực độ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt
05/05/2023
Thời tiết nắng nóng, oi bức là điều kiện thuận lợi dẫn đến nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt, đặc biệt nhóm đối tượng có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao...
Mỗi khi mùa hè đến, không chỉ nắng gắt gây khó chịu, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe – đặc biệt là đột quỵ và sốc nhiệt. Tại Việt Nam, những ngày nắng đỉnh điểm với nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 40–42 độ C, thậm chí cao hơn ở mặt đường nhựa, tạo nên “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”. Trong điều kiện như vậy, chỉ một chút bất cẩn cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Đột quỵ và sốc nhiệt: Nguy cơ không chỉ của người lớn tuổi!
Đa phần chúng ta thường nghĩ rằng đột quỵ (tai biến mạch máu não) chỉ xảy ra ở người cao tuổi hoặc người có bệnh nền. Nhưng thực tế, các trường hợp đột quỵ mùa hè ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là những người làm việc, tập luyện thể thao ngoài trời hoặc sống trong môi trường không đủ mát.
Tương tự, sốc nhiệt (heatstroke) là tình trạng nguy cấp khi cơ thể không thể tự điều hòa thân nhiệt, khiến nhiệt độ bên trong cơ thể tăng cao đột ngột (trên 40 độ C). Nếu không được xử trí kịp thời, sốc nhiệt có thể dẫn đến tổn thương não, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ vào mùa hè
Khi thời tiết quá nóng, cơ thể sẽ tăng tiết mồ hôi để làm mát, dẫn đến mất nước và muối khoáng. Nếu không bổ sung đầy đủ, máu trở nên đặc hơn, tim phải làm việc nhiều hơn, làm tăng nguy cơ huyết áp tăng vọt hoặc giảm đột ngột – hai tình trạng đều có thể dẫn đến đột quỵ.
Ngoài ra, nắng nóng cũng làm giãn mạch ngoại biên, giảm lưu lượng máu về tim và não. Trong lúc đó, nếu người bệnh cố gắng vận động, làm việc nặng hoặc uống rượu bia, hút thuốc, nguy cơ đột quỵ càng cao.
Sốc nhiệt điều hòa cũng là một trong nguyên nhân khiến tình trạng đột quỵ gia tăng vào mùa nắng nóng. Đặc biệt vào mùa nắng đỉnh điểm, nhiều người tìm cách tránh nóng ở các trung tâm thương mại, siêu thị, văn phòng làm việc... nơi có nhiệt độ điều hòa thấp hoặc tắm ngay sau khi vừa hoạt động mạnh ngoài trời nắng, việc thay đổi đột ngột dễ dẫn tới giảm thân nhiệt khiến mạch máu co lại và khiến nguy cơ đột quỵ dễ xảy ra.

Triệu chứng của đột quỵ do nắng nóng
Với thời tiết nắng nóng, nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 32 độ C trở lên, với các triệu chứng điển hình như:
Đối với đột quỵ:
- Đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng
- Yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể
- Nói khó, méo miệng, mất khả năng giữ thăng bằng
- Mất ý thức hoặc hôn mê
- Nhìn mờ, rối loạn thị giác
Lưu ý: Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trên, gọi cấp cứu ngay lập tức. Đột quỵ cần được xử lý trong “giờ vàng” (3–4,5 tiếng đầu) để giảm thiểu di chứng.
Đối với sốc nhiệt:
- Da nóng đỏ, khô hoặc vã mồ hôi liên tục
- Nhịp tim nhanh, thở gấp, chóng mặt
- Buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi bất thường
- Lú lẫn, mất phương hướng, ngất xỉu
Những đối tượng dễ bị đột quỵ hoặc sốc nhiệt trong mùa hè
Với thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt lưu ý với nhóm đối tượng sau:
- Người cao tuổi, đặc biệt có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch.
- Trẻ em, do khả năng điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện.
- Người làm việc ngoài trời: công nhân xây dựng, tài xế, nông dân, người giao hàng…
- Người luyện tập thể thao cường độ cao ngoài trời nắng.
- Người có lối sống không lành mạnh: hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, uống ít nước...

Cách phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt mùa nắng nóng
Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không chỉ riêng với thời tiết nắng nóng, vì vậy bạn cần chủ động phòng ngừa:
- Hạn chế ở lâu ngoài trời nắng: Tránh hoạt động ngoài trời trong khoảng thời gian 10h – 16h, khi tia UV và nền nhiệt lên cao nhất. Nếu buộc phải đi ra ngoài, hãy che chắn kỹ, đội mũ rộng vành, mặc quần áo sáng màu, chất liệu thấm hút mồ hôi.
- Uống đủ nước – nhưng đúng cách: Tập thói quen uống đủ nước mỗi ngày, bổ sung nước ép trái cây, rau củ quả mỗi ngày. Bổ sung nước điện giải nếu hoạt động thể lực nhiều. Tránh uống nước quá lạnh, rượu bia, cà phê – các chất này dễ gây mất nước.
- Ăn uống điều độ, tăng cường rau xanh và trái cây: Giúp bổ sung vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, hỗ trợ tuần hoàn máu và điều hòa thân nhiệt.
- Giữ cho không gian sống thoáng mát: Sử dụng quạt, máy điều hòa hoặc mở cửa sổ để không khí lưu thông. Không để trẻ em hoặc người già ở lâu trong phòng kín, không bật quạt hay điều hòa.
- Không tắm nước lạnh ngay khi vừa đi nắng về
- Hạn chế bia rượu, cà phê: Vì cồn, cafein trong bia rươu, thuốc lá là những thành phần dễ gây mất nước.
- Theo dõi huyết áp và tình trạng sức khỏe thường xuyên: Đặc biệt với người có bệnh nền tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… Có thể cân nhắc Tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ

Trong những năm gần đây, thời tiết ngày càng cực đoan hơn. Nắng nóng gay gắt, kéo dài không chỉ gây khó chịu mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng, đặc biệt là với các nhóm đối tượng dễ tổn thương. Những biến chứng do đột quỵ hoặc sốc nhiệt thường đến nhanh và diễn tiến nặng nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.
Do đó, nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động phòng ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường chính là “chìa khóa” để bảo vệ sức khỏe trong mùa hè.
Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không chỉ vào thời điểm nắng nóng. Vì vậy, bạn nên thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ hoặc khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ. Để đặt lịch tầm soát nguy cơ đột quỵ, Quý khách vui lòng gọi hotline (+84) 28 3535 2468 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Hãy cùng Bernard Healthcare tầm soát sớm nguy cơ để nói không với đột quỵ!
Khi phát hiện người bị sốc nhiệt, đột quỵ phải gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đồng thời cần làm mát, hạ thân nhiệt cho người bệnh bằng cách:
- Bỏ bớt quần áo, quạt mát, lau toàn thân người bằng nước mát
- Chườm nước đá vào các vùng bẹn, nách - những vị trí có nhiều mạch máu gần với da - khi được làm mát có thể nhanh chóng làm giảm thân nhiệt…