Đột quỵ dễ “ghé thăm” người mất ngủ
28/04/2023
Mất ngủ được hiểu là mất ngủ hoàn toàn, hoặc ngủ ít (chỉ từ 1-3 giờ mỗi ngày), ngủ không sâu, hay mộng mị, bị thức giấc hoặc khi thức giấc rất khó để ngủ lại,… Mất ngủ làm suy nhược thần kinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và là một trong những nguyên nhân khiến ta đến gần hơn với đột quỵ.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tàn tật và tử vong cao trên thế giới. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới đột quỵ như hút thuốc lá, thừa cân, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường...
Ngủ dưới 5 giờ mỗi đêm làm tăng nguy cơ đột quỵ

Các nhà khoa học cho rằng: Mất ngủ liên quan đến các vấn đề căng thẳng, stress,.. làm tăng sinh quá mức các gốc tự do. Các gốc tự do này tấn công hầu khắp cơ thể nhưng tập trung nhiều nhất ở những nơi tiêu thụ nhiều oxy, đặc biệt là mạch máu não. Từ đó, thúc đẩy sự hình thành mảng vữa xơ và huyết khối, cản trở dòng máu vận chuyển oxy lên não gây ra những rối loạn cho não bộ.
Khi mảng xơ vữa dày lên chít hẹp hoàn toàn lòng mạch hoặc bị bong ra kết hợp với các yếu tố khác trong dòng máu tạo thành các cục máu đông làm bít tắc các mạch máu sẽ gây ra tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng phần não phía sau, hoặc gây vỡ mạch máu khiến máu tràn ra vùng não xung quanh, làm xảy ra tình trạng đột quỵ.
Nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

Một số nguyên nhân điển hình gây mất ngủ kéo dài như:
- Lo âu, căng thẳng: Các vấn đề trong cuộc sống như công việc, học tập, tài chính, sức khỏe... là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bạn thường xuyên stress dẫn đến mất ngủ kéo dài.
- Chất kích thích: Các tác nhân kích thích như caffein, nicotine, bia, rượu, thuốc lá khiến hệ thần kinh hưng phấn dẫn tới ảnh hưởng giấc ngủ thường xuyên.
- Môi trường sống: Môi trường sống không thoải mái như ô nhiễm môi trường, tiếng ồn... cũng phá hỏng chu kỳ ngủ và thói quen sinh hoạt của bạn.
- Vấn đề về sức khỏe: Trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc nhiều bệnh lý mạn tính với các triệu chứng kéo dài khiến người bệnh khó chịu và mất ngủ dai dẳng.
- Sử dụng thuốc điều trị: Việc lạm dụng một số thuốc điều trị cũng khiến triệu chứng mất ngủ kéo dài xuất hiện.
Ngoài ra, mất ngủ kéo dài cũng có thể do một số nguyên nhân khác như lão hóa, thai kỳ, tiền sử tai nạn,...
Cải thiện tình trạng mất ngủ kéo dài giúp phòng ngừa đột quỵ
Với những người mất ngủ, việc đầu tiên để phòng ngừa đột quỵ chính là cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau đây:
- Hạn chế thiết bị điện tử trước khi ngủ: Ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính có thể ức chế sản xuất melatonin – một loại hormone giúp ngủ ngon. Do đó, việc hạn chế sử dụng thiết bị điện tử có thể giúp ngủ ngon hơn.

- Thư giãn trước khi ngủ: Tập thiền, nghe nhạc nhẹ hoặc đọc sách giúp giảm căng thẳng, dễ ngủ hơn.
- Chế độ ăn uống khoa học: Tránh caffeine, rượu bia vào buổi tối. Bổ sung thực phẩm giàu tryptophan như chuối, sữa ấm, hạt óc chó,... sẽ giúp kích thích giấc ngủ.
Khi đã có thể cải thiện được tình trạng mất ngủ, hãy cố gắng duy trì giờ ngủ cố định bằng cách: Ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ngày, đi ngủ và thức dậy đúng giờ để cơ thể thiết lập nhịp sinh học ổn định.
Trường hợp bị mất ngủ kéo dài kèm theo các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh,... hoặc có kèm các bệnh lý nền là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ,... cần có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ để được bác sĩ đánh giá và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Hãy liên hệ hotline (028) 3535 2468 để đặt lịch thăm khám chuyên khoa, thực hiện tầm soát đột quỵ chuyên sâu để ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn.