Thưa bác sĩ, tôi có tiền sử bệnh tiểu đường (đái tháo đường) đã gần 10 năm nay. Bình thường tôi hay xuất hiện các vết thương lâu lành hay vết trầy xước nhỏ ở chân cũng mất thời gian dài mới lành, không biết là tại vì sao?
Đái tháo đường khiến vết thương lâu lành
Người mắc đái tháo đường thường có quá trình lành vết thương chậm hơn, trong một số trường hợp, không chỉ khiến vết thương lâu lành mà còn dẫn đến những biến chứng khiến người bệnh chậm hồi phục hoàn toàn.
Dưới đây là một số lý do khiến bệnh nhân đái tháo đường hay có vết thương chậm lành:
- Người mắc đái tháo đường lâu năm, tuần hoàn máu trong cơ thể kém làm giảm lượng máu đưa đến vết thương, giảm khả năng nuôi dưỡng và phục hồi vết thương, dẫn đến vết thương chậm lành.
- Đường huyết không được kiểm soát tốt làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, điều này khiến các chất dinh dưỡng, oxy… di chuyển chậm đến các tế bào ở vị trí vết thương, làm chậm hoặc thậm chí gián đoạn quá trình lành thương.
- Đường huyết cao làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể, giảm khả năng chống lại vi khuẩn, vi rút và các tác nhân gây bệnh, gây ra các hiện tượng viêm, thậm chí nhiễm trùng ở vết thương.
- Bệnh nhân đái tháo đường gặp các vấn đề về hệ thống thần kinh ngoại biên, rối loạn hay giảm cảm giác, đặc biệt là chi dưới. Người bệnh không cảm nhận được cảm giác đau khi vết thương xuất hiện ở giai đoạn đầu.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới, ước tính cứ 30 giây, trên thế giới lại có một người bị mất một chi (chân, tay) do các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường. Trong số đó, hơn 85% trường hợp cắt cụt chi có khởi phát từ vết loét không lành gây tổn thương nghiêm trọng trọng đến các mô xương ngón chân, bàn chân.
Vì vậy người “sống chung với đái tháo đường” luôn phải chú ý tới các vết thương, các vết trầy xước, mụn nước hay các dạng vết thương khác ở chân để chăm sóc đúng cách và kịp thời, tránh để vết thương lâu lành dẫn đến biến chứng loét bàn chân đái tháo đường.
Người đái tháo đường làm gì để tránh làm vết thương lâu lành?
Khi người mắc bệnh lý đái tháo đường có các vết thương nhỏ, trầy xước, nên làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lí, nếu sử dụng dung dịch betadine hoặc providine, cần pha loãng nồng độ khi dùng rửa vết thương. Người bệnh không nên lạm dụng dung dịch oxy già để sát khuẩn, tránh làm vết thương lâu lành. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý rắc thuốc kháng sinh, thuốc nam, đắp lá lên vết thương mà không có chỉ đỉnh của bác sĩ, tránh dẫn đến tình trạng nhiễm trùng vết thương.
Người bị tiểu đường có nguy cơ nhiễm trùng và bị loét cao hơn người bình thường do lượng đường trong máu cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sống và phát triển. Vì vậy người đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết bằng cách đo đường huyết thường xuyên để theo dõi chỉ số lượng đường trong máu và tuân thủ điều trị thuốc theo đúng lời dặn bác sĩ nội tiết.
Một chế độ ăn uống khoa học cũng đóng vai trò quan trọng giúp vết thương nhanh lành. Người bệnh nên ăn đầy đủ các nhóm chất, kiểm soát các món ăn có chứa tinh bột và đường. Trong thời gian bị thương, người đái tháo đường nên bổ sung thêm các món ăn chứa nhiều protein để cung cấp axit amin, thúc đẩy quá trình lành thương. Ngoài ra, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cũng giúp kích thích lành thương nhanh.
Bên cạnh chế độ ăn hợp lí, một lối sống lành mạnh cũng góp phần quá trình lành thương diễn ra thuận lợi:
- Chế độ nghỉ ngơi hợp lí, ngủ đủ giấc
- Thường xuyên tập thể dục tùy theo thể trạng bản thân
- Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu... vì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình lành thương
Nhận biết khi nào vết thương lâu lành cần thăm khám bác sĩ
Người đái tháo đường cần theo dõi tiến triển vết thương hàng ngày, khi thấy vết thương có các dấu hiệu bất thường, cần thăm khám bác sĩ vết thương để được can thiệp kịp thời:
- Vết thương có dấu hiệu viêm nhiễm, nhiễm trùng: sưng đỏ, đau nhức tại vị trí bị thương, mưng mủ, chảy dịch
- Vết thương kéo dài trên 2 tuần không có dấu hiệu lành thương
- Vết thương lan rộng, tiến triển loét
Nếu bạn hoặc người thân bị đái tháo đường và có vết thương lâu lành kèm các dấu hiệu trên, liên hệ hotline (+84) 28 3535 2468 để đặt lịch thăm khám với các chuyên gia vết thương Bernard Healthcare, kiểm tra và đánh giá tình trạng vết thương, can thiệp đúng cách, kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.