Biến chứng loét bàn chân là một trong những biến chứng phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường. Để phòng ngừa biến chứng này, việc quan trọng đầu tiên là ta phải biết được các yếu tố nguy cơ của bệnh. Vậy đâu là những yếu tố nguy cơ của loét bàn chân đái tháo đường?
1. Biến chứng mạch máu và thần kinh
Người “sống chung với đái tháo đường”, cơ thể khó kiểm soát đường huyết ổn định, thời gian dài dẫn đến việc tổn thương nhiều hệ thống trong cơ thể. Trong đó tổn thương mạch máu ngoại biên và tổn thương thần kinh ngoại biên là các biến chứng phổ biến nhất. Đây cũng là 2 yếu tố chính yếu gây ra biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường tính đến hiện nay.
2. Bệnh đái tháo đường kèm theo nhiều bệnh lý nền khác.
Ngoài bệnh đái tháo đường, bệnh nhân kèm theo nhiều bệnh lý nền khác như: huyết áp cao, tim mạch... cũng là những người có nguy cơ cao bị biến chứng loét bàn chân đái đường. Chẳng hạn như bệnh lý huyết áp cao, khi huyết áp tăng cao làm tăng các mảng xơ vữa mạch máu, gây hẹp mạch máu, lưu thông máu kém có thể gây ra các vết loét do tổn thương mạch máu.
3. Các biến dạng bàn chân
Người bệnh xuất hiện các biến dạng bàn chân do các bệnh lý thần kinh, viêm khớp, hay do mang giày dép kích cỡ không phù hợp, khiến các vùng biến dạng tì đè kéo dài cũng là yếu tố phổ biến gây ra các vết loét ở chân. Các biến dạng bàn chân phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường gây ra vết loét ở chân như:
- Bàn chân Charcot
- Bàn chân bẹt
- Biến dạng ngón chân cái
4. Kiểm soát đường huyết không tốt
Đường huyết không ổn định là nguyên nhân gây ra các tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh. Bên cạnh đó, khi người bệnh tiểu đường có các vết thương nhỏ, vết xước, mụn nhọt, việc kiểm soát đường huyết không tốt có thể khiến vết thương chậm lành và diễn tiến thành vết loét. Đường huyết cao làm suy yếu hệ miễn dịch và cơ chế chữa lành của cơ thể, đồng thời là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây ra tình trạng nhiễm trùng làm vết thương diễn tiến loét.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động, quên uống thuốc và đo đường huyết định kỳ theo chỉ dẫn bác sĩ là những nguyên nhân khiến bệnh nhân không kiểm soát đường huyết hiệu quả.
5. Tuổi tác
Ở những bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi, mạch máu lão hóa, tình trạng vôi hóa mạch máu ngày càng tăng và thường đi kèm các bệnh lý nền khác dẫn đến các tổn thương mạch máu, nguy cơ gây ra các vết loét ở chân. Ngoài ra, người càng lớn tuổi khi xuất hiện các vết thương nhỏ, quá trình lành thương cũng sẽ chậm hơn, vết thương lâu lành kéo dài cũng có thể gây ra các vết loét ở chân.
6. Hút thuốc lá
Trong thuốc lá có nhiều chất có hại cho có thể, đặc biệt đây được xem là “kẻ thù” của mạch máu. Hút thuốc lá có liên quan mật thiết đến sự hình thành vết loét và tình trạng hoại tử chân ở những bệnh nhân đái tháo đường có vết thương. Đặc biệt, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh Buerger - Bệnh lý tắc hẹp mạch máu không do xơ vữa. Bệnh lý này thường gây ra việc thiếu máu ở đầu chi (ngón tay, ngón chân), dẫn đến hình thành các vết loét đầu ngón tay, ngón chân.
7. Bệnh nhân không có thói quen tự chăm sóc
Với những người “sống chung với đái tháo đường”, việc có thói quen tự chăm sóc, đặc biệt là thói quen chăm sóc bàn chân hàng ngày sẽ giúp người bệnh hạn chế các tổn thương và xuất hiện sớm các vết thương ngoài da sớm để chữa lành nhanh và hạn chế biến chứng đái tháo đường lâu lành. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh nhân đái tháo đường vẫn chưa có nhiều kiến thức chăm sóc và phòng ngừa. Vì vậy đây cũng là yếu tố nguy cơ bị loét bàn chân đái tháo đường.
Nếu bạn hoặc người thân mắc bệnh đái tháo đường, hãy gọi đến hotline (+84) 28 3535 2468 để đặt lịch thăm khám chuyên khoa vết thương định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng gây nguy cơ loét do đái tháo đường.