Thành phố Hồ Chí Minh có đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương – Loét bàn chân đái tháo đường
Được biết, ngay từ khi mới thành lập, chuyên khoa về vết thương đã được Hội đồng Y khoa Bernard chú trọng phát triển.
Cụ thể, phòng khám đã được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cấp phép một số danh mục kỹ thuật Ngoại khoa chăm sóc vết thương, vết loét trên bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường).
Hành trình 3 năm theo đuổi mục tiêu nhân văn
Bác sĩ CK2 Phan Duy Kiên bồi hồi chia sẻ tại Lễ ra mắt Bernard Wound Care: “Bệnh nhân vết thương đầu tiên được điều trị tại phòng khám Bernard cơ sở Nam Kỳ Khởi Nghĩa là tháng 3/2021, ngay trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Suốt trong mùa dịch, các bác sĩ Bernard đã nỗ lực để cứu chi (chân), đôi khi là cả mạng sống cho bệnh nhân loét nhiễm trùng nặng, phức tạp trên nền bệnh lý đái tháo đường, không được chẩn đoán sớm hoặc điều trị gián đoạn vì dịch bệnh.”
Và từ đó đến nay, sau gần 3 năm, số lượng bệnh nhân vết thương tìm khám hoặc được giới thiệu đến Bernard ngày càng tăng, hơn nghìn lượt khám và điều trị, trong đó loét bàn chân đái tháo đường chiếm tỉ lệ đến hơn 50%. Một số vết thương khó lành khác thường gặp như loét tĩnh mạch, loét động mạch, loét tì đè, bỏng và sẹo… Đó là lý do để Bernard đầu tư khu ngoại khoa chuyên điều trị vết thương tại cơ sở mới Bernard Healthcare 22 Phan Đình Giót, quận Tân Bình TP. Hồ Chí Minh.
Tại các bệnh viện, khi một khoa phát triển đến một mức nào đó sẽ cần tách ra thành các đơn vị chuyên sâu để đáp ứng với nhu cầu thực tế. Khi mảng vết thương phát triển và cần đi sâu hơn thì việc thành lập đơn vị vết thương chuyên sâu là nhu cầu tất yếu. Điều này thường thấy trong y khoa khi mô hình bệnh viện có các trung tâm khoa (Center/Department) và chia nhỏ các đơn vị chuyên sâu chuyên trách (Unit/ Subspecialty) – Bác sĩ Phan Duy Kiên cho biết thêm.
Bà Nguyễn Nam Phương, Tổng giám đốc Bernard Healthcare chia sẻ: “Ngành y đã khó, mảng vết thương còn khắc nghiệt hơn. Đứng ở góc độ y tế tư nhân, nếu nghĩ đến kinh doanh, lợi nhuận, hẳn Bernard sẽ không đầu tư cho mảng vết thương. Bởi bệnh nhân vết thương đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn trong khi đeo đuổi một ca điều trị vết thương khó lành có thể kéo dài nhiều tháng, chi phí rất tốn kém.”
Lý do Bernard mở chuyên khoa vết thương, theo bà Nam Phương, trước hết là vì Bernard vinh dự được đồng hành cùng Bác sĩ CK2 Trần Đoàn Đạo – một người thầy thuốc ưu tú, mẫu mực, uy tín, là người trong suốt hơn 4 thập kỷ đã cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân vết thương. Bên cạnh đó, Bernard may mắn còn có sự đồng hành của thế hệ bác sĩ trẻ tài năng tiếp nối bác sĩ Đạo phát triển chuyên ngành vết thương tại Việt Nam. “Từ lẽ đó, Bernard nhận thấy trách nhiệm và sứ mệnh của mình là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ tốt nhất có thể, nối dài cánh tay, cùng với các bác sĩ giúp bệnh nhân vết thương không còn loay hoay, bơ vơ để rồi phải chịu hậu quả đáng tiếc! Càng dấn thân, chứng kiến nỗi đau đớn cùng cực về thể xác, sự kiệt quệ tinh thần khi bỗng chốc thành phế nhân đến cảm xúc hạnh phúc vỡ òa như tái sinh lần nữa trong một cơ thể lành lặn; chúng tôi càng thấu cảm và quyết tâm.” – Bà Nam Phương chia sẻ.
Một vết thương không được chăm sóc và điều trị đúng, kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả khốc liệt
Thầy thuốc ưu tú, BS cao cấp, BS CK2 Trần Đoàn Đạo – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Y khoa Bernard – Nguyên Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Vết thương xuất hiện ở hầu hết các chuyên khoa, không một chuyên khoa nào là ngoại lệ. Một vết thương không được chăm sóc, điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến vết thương khó lành, có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây đau đớn, hậu quả phải tháo ngón, đoạn chi….”
Về cơ bản các vết thương khó lành (vết thương mạn tính) là vết thương không lành trong vòng 4-8 tuần. Bất cứ vết thương nào cũng có thể trở thành khó lành và đặc biệt thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý nền như đái tháo đường, suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính, suy tim… Hiện nay, trên toàn thế giới, vết thương khó lành đang được xem là một “bệnh dịch thầm lặng”. Tại Việt Nam, nhu cầu chăm sóc, điều trị vết thương của người dân rất lớn, tuy nhiên, chuyên khoa vết thương là mảng tương đối mới.
Việc thành lập Đơn vị điều trị chuyên sâu vết thương (Bernard Wound Care) có ý nghĩa quan trọng, góp phần “giảm đau, chữa lành, hạn chế biến chứng” – là nơi đáng tin cậy để người dân an tâm thăm khám và điều trị, giúp các bệnh nhân vết thương được tiếp cận với các phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới.
Đơn vị điều trị vết thương chuyên sâu - Bàn chân đái tháo đường Bernard Wound Care còn chú trọng đào tạo chuyên môn, các chuyên gia vết thương của Bernard Wound Care tham gia giảng dạy, tham dự và tham luận tại các hội nghị Vết thương, Hội nghị mạch máu uy tín trên thế giới. Bernard Wound Care hiện đã ký kết hợp tác chiến lược với các đơn vị y tế phát triển trong khu vực (Singpapore, Đài Loan) và sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác chuyên môn với các trung tâm vết thương chuyên sâu trên thế giới (Châu Âu, Mỹ…) để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo cơ hội điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. - BS CK2 Trần Đoàn Đạo cho biết thêm.
Trong lễ công bố, quyển sách “Chăm sóc vết thương” do BS CK2 Trần Đoàn Đạo chủ biên cùng các cộng sự cũng được giới thiệu. Sách dày 218 trang, bản in hiện đại, chia làm 2 chương với nhiều chủ đề xoay quanh các loại vết thương thường gặp như vết thương tiết dịch, tổn thương do tì đè, loét bàn chân đái tháo đường, loét mạch máu ngoại biên, vết thương do bỏng, sẹo…
Sách “Chăm sóc vết thương” do BS CK2 Trần Đoàn Đạo chủ biên và biên soạn cùng các cộng sự vừa được xuất bản
Là sách chuyên ngành, được biên soạn và in ấn phi thương mại (sách không bán) mục đích để chia sẻ kiến thức chuyên môn trong chăm sóc và điều trị vết thương, cuốn sách “Chăm sóc vết thương” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các chuyên gia đầu ngành và truyền cảm hứng cho các sinh viên y khoa, các bác sĩ trẻ điều dưỡng tiếp cận với mảng vết thương, từ đó đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế cho mảng này tại Việt Nam.
Cùng với việc phát hành sách, Bernard Wound Care, bác sĩ Trần Đoàn Đạo cùng đội ngũ các bác sĩ tham gia biên soạn sách sẽ có chuỗi hoạt động chia sẻ giới thiệu sách đến các bệnh viện, trường y tại TP.HCM và các tỉnh thành, song song với hướng dẫn thực hành chăm sóc vết thương trong thời gian tới. Đồng thời, Bernard Wound Care cũng sẽ thực hiện chương trình cộng đồng, tầm soát phòng ngừa biến chứng loét ở người tiểu đường; thăm khám và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân vết thương khó lành có hoàn cảnh khó khăn.
Thông tin thêm về Bernard Wound Care
Đơn vị điều trị vết thương chuyên sâu - Bàn chân đái tháo đường Bernard Wound Care (trực thuộc Hệ thống Y khoa Chuyên sâu quốc tế Bernard) quy tụ đội ngũ các bác sĩ đa chuyên khoa, uy tín lâu năm trong mảng vết thương tại Việt Nam và được đào tạo chuyên sâu về vết thương tại Châu Âu, Mỹ Châu Á… cùng trang thiết bị hiện đại (MRI; CT; siêu âm, ABI/TBI…) kết hợp công nghệ điều trị vết thương mới theo xu hướng thế giới (giảm áp; nén ép; hút lực âm; gạc sinh học...); quy trình protocol chuẩn; ứng dụng mô hình đa chuyên khoa với mục tiêu “giảm đau, chữa lành, hạn chế biến chứng”, điều trị, bảo tồn, lành thương thẩm mỹ, phòng ngừa tái phát theo phác đồ điều trị cá nhân hóa. Đồng thời, theo dõi chuyên sâu: tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn chăm sóc vết thương sau điều trị tại nhà cho bệnh nhân bị vết thương khó lành, tập trung vào loét bàn chân đái tháo đường, vết thương do bỏng, sẹo.
Nguồn Tạp chí Khoa học phổ thông