Cúm mùa - Lưu ý gì, phòng ngừa ra sao?
10/02/2025
Virus cúm vẫn có thể lây truyền trong 1 tuần sau khi các triệu chứng đã chấm dứt. Đó là nhận định của BS.CK1 Trần Xuân Nguyên - Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bernard Healthcare trong chương trình giao lưu trực tuyến cùng AloBacsi. Để hiểu rõ hơn về cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa cúm hiệu quả, mời bạn đọc AloBacsi theo dõi bài viết dưới đây.
1. Ai có nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc cúm mùa?
Thưa BS, bệnh cúm gây ra do tác nhân gì? Nhiều người vẫn thường chủ quan cho rằng cúm chỉ là bệnh xoàng, là ốm vặt, nhưng vì sao vẫn có những ca tử vong?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Cúm, hay còn gọi là cúm mùa, là một bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó, virus cúm A là chủng thường gặp nhất.
Những người có cơ địa miễn dịch yếu, những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi (trên 65 tuổi), trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền (tiểu đường, tim mạch...), bệnh nhân ung thư là nhóm có yếu tố nguy cơ rất cao gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Do đó, không được chủ quan trước bệnh cúm mùa.
2. Phân biệt cảm và cúm
Cúm và cảm khác nhau như thế nào ạ?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Cúm và cảm có một số điểm khác nhau để phân biệt. Cúm do virus cúm gây ra, thời gian mắc bệnh kéo dài khoảng 1 - 2 tuần. Triệu chứng cúm thường xuất hiện đột ngột và nặng nề hơn so với cảm. Bệnh nhân thường bị sốt, ho, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, mệt mỏi đau nhức người. Một số trường hợp xảy ra biến chứng có thể gây tử vong.
Cảm lạnh cũng do virus gây ra, chủ yếu thuộc nhóm reno virus. Triệu chứng của cảm lạnh nhẹ hơn cúm, diễn tiến chậm. Bệnh có thể kéo dài khoảng 7 - 10 ngày, sau đó tự khỏi, không để lại biến chứng.

3. Những yếu tố thuận lợi cho virus cúm phát triển
Tại Việt Nam, cao điểm cúm thường rơi vào khoảng thời gian nào? Thời điểm đó có những thuận lợi gì để virus cúm phát triển mạnh mẽ, thưa BS?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Cao điểm bệnh cúm thường rơi vào mùa Đông Xuân, khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Trong thời gian này, nhiệt độ môi trường giảm xuống, thời tiết lạnh, độ ẩm không khí cao đã tạo điều kiện cho các chủng virus cúm phát triển và lây lan nhanh.
Do đó, mỗi người dân cần chủ động phòng ngừa, không để cúm lây lan trong cộng đồng nhằm tránh các đợt bùng phát dịch.
4. Cần cách ly nếu trong gia đình có người nhiễm cúm
Làm thế nào để ngăn chặn bệnh cúm lây lan, thưa BS? Người bị cúm có cần phải được cách ly với các thành viên khác trong gia đình không?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Cúm mùa lây lan qua giọt bắn đường hô hấp khi bệnh nhân hắt hơi hoặc ho và khi tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt có chứa virus.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus cúm, trước tiên phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân và che vùng mũi họng khi ho, hắt hơi. Những người có triệu chứng cúm tốt nhất nên giữ khoảng cách với những người xung quanh.
Bên cạnh đó, có thể phòng ngừa cúm bằng cách tiêm vắc xin vào tháng 9, tháng 10 hằng năm, trước khi có những đợt cúm mùa.
Nếu trong gia đình có người mắc cúm, nên cách ly người bệnh ở phòng riêng, không sử dụng chung các vật dụng, đồ đạc. Các thành viên trong gia đình phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
Cúm có thể lây lan rất nhanh, chúng ta không được chủ quan. Đặc biệt, 1 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng và 7 ngày sau khi các triệu chứng đã khỏi, cúm vẫn có khả năng lây lan.

5. Một số dấu hiệu biến chứng của bệnh cúm
Những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh cúm trở nặng và cần được đưa tới cơ sở y tế?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Nhóm có nguy cơ rất cao diễn tiến nhanh, trở nặng trong trường hợp mắc cúm là:
- Người trên 65 tuổi;
- Trẻ em dưới 5 tuổi;
- Phụ nữ đang mang thai;
- Người có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường;
- Bệnh nhân ung thư.
Nếu không may mắc cúm, cần đưa bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp: khó thở, thở gấp, thở mệt hoặc đau nặng ngực tăng dần, cần lập tức đến bệnh viện. Bệnh nhân có thể đang gặp biến chứng viêm cơ tim cấp.
Khi bệnh nhân sốt cao, sốt trên 39 độ C không hạ cũng nên đưa đến cơ sở y tế. Ngoài ra cần lưu ý một số triệu chứng về thần kinh như đau đầu nặng dần, đau đầu tăng dần kèm lơ mơ, lú lẫn. Đó có thể là biến chứng viêm não màng não.
Bệnh nhân đau tai có thể là biến chứng viêm tai giữa; đau đầu, nghẹt mũi, nước mũi vàng xanh có thể là tình trạng viêm mũi xoang cấp...
6. Chỉ số SpO2 có giá trị gì trong các trường hợp mắc cúm?
Để nhận biết trường hợp nặng, có cần sử dụng máy SpO2 giống như bệnh COVID-19 không, thưa BS?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Máy SpO2 cầm tay là thiết bị để đo độ bão hòa oxy trong máu. Đây là một loại test y khoa không xâm lấn, có thể tham khảo nếu có sẵn tại nhà.
Có sẵn máy SpO2 tại nhà sẽ rất hữu ích trong trường hợp có người bị cúm. Tuy nhiên, không nên đặt tất cả sự chú ý vào chỉ số này.
Chỉ số SpO2 thông thường dao động trong khoảng 95 -100. Một số trường hợp bệnh cúm diẽn tiến nhanh, bệnh nhân có cảm giác khó thở, thở nặng, thở gấp cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi, can thiệp kịp thời để hỗ trợ cung cấp oxy, thông khí.
7. Sau chích ngừa bao lâu thì vắc xin cúm có tác dụng?
Sau sự ra đi của một nữ diễn viên nổi tiếng người Đài Loan và hàng loạt thông tin cảnh báo về cúm mùa, nhiều người dân đã đổ xô đi tiêm phòng cúm. Xin hỏi BS, sau tiêm phòng bao lâu thì vắc xin sẽ có tác dụng và có thể duy trì hiệu quả trong bao lâu?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Nhiều thông tin về các trường hợp trở nặng, biến chứng của cúm, thậm chí có ca tử vong đã khiến người dân có cảm giác lo âu, bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến bệnh này, trong đó có vấn đề tiêm ngừa.
Vắc xin cúm là một biện pháp giúp cơ thể có miễn dịch. Trong trường hợp chẳng may mắc bệnh, các triệu chứng sẽ nhẹ hơn, đồng thời giảm nguy cơ biến chứng nặng. Vắc xin cũng làm giảm tỷ lệ cúm lây lan trong cộng đồng.
Sau khi tiêm vắc xin, mất trung bình khoảng 2 tuần để cơ thể tạo ra kháng thể, vắc xin bắt đầu có hiệu lực. Tác dụng phòng bệnh duy trì trong vòng 6 - 12 tháng tùy cơ địa mỗi người. Do đó, cần phải tiêm nhắc lại vắc xin cúm hằng năm.
8. Cúm mùa và đại dịch cúm
Xin hỏi BS, cúm theo mùa có liên quan đến đại dịch cúm, chẳng hạn như A.H5N1, A.H1N1... không?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Cúm mùa và các đại dịch cúm đều do virus cúm gây ra nhưng có sự khác biệt về quy mô, hậu quả. Cúm mùa xảy ra hằng năm, những người đã tiêm ngừa dù có mắc bệnh thì triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn và ít gây ra biến chứng.
Đại dịch cúm thường có quy mô toàn cầu và do những chủng virus mới hoặc bị đột biến gây ra. Do cơ thể chưa có kháng thể, các triệu chứng sẽ nặng nề, dễ lây lan và dễ diễn tiến nặng, thậm chí tử vong.
9. Đừng hoang mang nhưng cũng không được chủ quan trước cúm mùa
Nhờ BS khái quát lại, chúng ta cần chú ý những điều gì để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trước nguy cơ cúm mùa bùng phát?
BS.CK1 Trần Xuân Nguyên trả lời: Như đã chia sẻ, cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi virus cúm. Các triệu chứng thường gặp là sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, đau nhức cơ... Bệnh có thể tự khỏi trong khoảng 1 - 2 tuần nhưng cũng có những trường hợp biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, viêm não màng não, suy đa cơ quan... dẫn đến tử vong.
Những người có nguy cơ cao khi mắc cúm là người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền (đái tháo đường, tim mạch...), bệnh nhân ung thư. Người dân nên chích ngừa cúm để giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng và giảm nguy cơ biến chứng nặng, đặc biệt ở các nhóm vừa nêu.
Chúng ta không cần quá lo lắng khi mắc cúm. Người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước; nếu các triệu chứng không thuyên giảm, phải đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị kịp thời.
Hiện, Bernard Healthcare có tiêm phòng cúm với vắc xin Influvac Tetra (Hà Lan). Đặc biệt, khách hàng sẽ được miễn phí hoàn toàn công khám và tư vấn khi tiêm chủng tại Bernard.
Dịch vụ tiêm chủng được triển khai tại Cơ sở 22 Phan Đình Giót, quận Tân Bình, TPHCM.
Nguồn: AloBacsi
