Đột quỵ “trời kêu ai nấy dạ”, Xét nghiệm marker ung thư (chỉ dấu ung thư) sẽ chẩn đoán được ung thư, Đái tháo đường chỉ cần kiêng ăn ngọt, đường... Những thông tin trên có làm bạn hoang mang, lầm tưởng? Bạn phân vân không biết những thông tin đó có chính xác hay không? Cùng Bernard Healthcare tìm sự thật trong bài viết dưới đây.
1. Đột quỵ “trời kêu ai nấy dạ”
Đột quỵ có thể tấn công đột ngột bất kỳ ai, nhưng không phải là bệnh “trời kêu ai nấy dạ”. Những người bị đột quỵ hầu hết đều đã có yếu tố nguy cơ trước và trong thời gian dài, tuy nhiên do cơ thể không có triệu chứng, không chủ động tầm soát sớm nên không kịp thời phát hiện.
Hơn 80% TRƯỜNG HỢP ĐỘT QUỴ CÓ THỂ PHÒNG NGỪA (Theo Hiệp hội Đột quỵ thế giới) và "chìa khóa vàng" là hãy:
- Chủ động tầm soát nguy cơ đột quỵ chuyên sâu
- Kiểm tra, thăm khám định kỳ và theo dõi thường xuyên các bệnh lý nền (Đái tháo đường; Tăng huyết áp…)
- Duy trì vận động đều đặn, điều chỉnh dinh dưỡng, lối sống lành mạnh...
2. Xét nghiệm marker ung thư (chỉ dấu ung thư) sẽ chẩn đoán được ung thư
Theo TS.BS. Phạm Nguyên Quý - Khoa Nội khoa Ung thư, BV Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, Nhật Bản – Đồng sáng lập Y học cộng đồng: Xét nghiệm chỉ dấu ung thư (marker ung thư) không có giá trị trong việc tầm soát ung thư; mà chỉ đóng vai trò bổ trợ giúp theo dõi diễn tiến bệnh ở những người đã nhận chẩn đoán mắc ung thư, thông qua cơ chế: khối u trong bệnh nhân ung thư có thể tiết ra một số chất đặc trưng đủ cao/nhiều để đo được qua xét nghiệm máu.
Hiện nay, với từng loại ung thư; Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, Nhật Bản khuyến nghị phương pháp tầm soát hiệu quả, dành cho nhóm đối tượng nguy cơ. Cụ thể như:
- Tầm soát ung thư dạ dày bằng phương pháp Nội soi tiêu hoá, người trên 40 tuổi nên tầm soát.
- Tầm soát ung thư đại trực tràng cần kết hợp: Nội soi tiêu hóa + Tìm máu ẩn trong phân + CT đại tràng ảo
…
3. Đang khỏe mạnh không nên tầm soát ung thư!
Hiện nay nhiều người vẫn ngại tầm soát sức khỏe vì sợ xui, hay quan niệm “Bói ra ma, quét nhà ra rác", khám kiểu gì cũng ra bệnh
Tuy nhiên, ung thư không phải là bệnh “đùng đùng ập tới”, mà mầm mống bệnh diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nếu chờ đến khi cơ thể xuất hiện triệu chứng: đau, lở loét... thì thường ung thư đã ở GIAI ĐOẠN MUỘN, tiên lượng xấu.
- Ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn 1 (sớm) sẽ có hơn 90% chữa trị thành công, có thể không phải cắt bỏ tuyến vú
- Ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện giai đoạn 1 (sớm), có thể trị thành công đến 80 - 90%
TẦM SOÁT SỚM UNG THƯ ngay khi cơ thể còn đang khỏe mạnh là cách tốt nhất để:
- Kịp thời phát hiện tổn thương bất thường, tiền ung thư, ung thư giai đoạn sớm
- Được bác sĩ tư vấn điều chỉnh dinh dưỡng, chế độ vận động, lối sống, loại bỏ các thói quen xấu nhằm ngăn ngừa ung thư
- Can thiệp kịp thời, tăng cơ hội điều trị thành công
- Tiết kiệm chi phí
4. Nội soi tiêu hóa vừa đau, vừa buồn nôn. Chỉ cần kiểm tra hơi thở, thổi bong bóng là tầm soát được ung thư dạ dày
Phương pháp thổi bong bóng hay phương pháp test hơi thở với UREA để phát hiện vi khuẩn H.pylori (HP) – là tác nhân gây viêm loét dạ dày, viêm tá tràng, ung thư dạ dày.
Phương pháp test hơi thở không cần nội soi dạ dày nên chỉ kiểm tra được người thử có nhiễm Hp hay không; chứ không quan sát được niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng để đánh giá tình trạng viêm, loét; do đó có thể bỏ sót các tổn thương, polyp đường tiêu hóa
Hiện nay, Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, Nhật Bản: Nội soi tiêu hóa được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong tầm soát các bệnh lý lành & ác tính đường tiêu hóa.
Bernard Healthcare thực hiện quy trình Nội soi tiêu hóa tầm soát Ung thư dạ dày theo khuyến nghị của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, Nhật Bản.
- Nội soi không đau (Nội soi có tiền mê do bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm phụ trách): giúp bệnh nhân/khách hàng thoải mái, dễ chịu, hoàn toàn không có cảm giác đau, buồn nôn, tỉnh mê nhanh chóng.
- Nội soi không lây nhiễm chéo: hệ thống máy soi & ống soi luôn được kiểm soát khử khuẩn tự động
- Hệ thống nội soi của Fujifilm có tích hợp trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhuộm màu ánh sáng, có độ phóng đại hơn 135 lần giúp phát hiện những tổn thương, sang thương rất nhỏ, phát hiện ung thư đường tiêu hoá ở giai đoạn rất sớm.
5. Suy giãn tĩnh mạch chỉ là vấn đề thẩm mỹ, không gây nguy hiểm!
Thực tế là, suy giãn tĩnh mạch chi dưới có nhiều mức độ khác nhau. Ở giai đoạn khởi phát C1, bệnh không đe dọa tính mạng, chỉ gây khó chịu bứt rứt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hay nổi các gân xanh chi chít gây mất thẩm mỹ.
Tuy nhiên, suy giãn tĩnh mạch chi dưới từ cấp độ C2 - C6, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nặng, nguy hiểm, khó điều trị hơn, như: loét, huyết khối tĩnh mạch sâu gây thuyên tắc phổi. Tại Mỹ, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong sau nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. (Theo International Journal of Critical illness and injury science)
6. Đái tháo đường chỉ cần kiêng ăn ngọt, đường
Nhiều người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) thường nghĩ kiêng ăn ngọt, đường là loại đường làm gia vị trong chế biến thực phẩm, món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, đường (dạng carbohydrate) còn có mặt trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc như: cơm, bánh mì, xôi, trái cây, sữa,…
Ở người bình thường, tuyến tụy sẽ sản xuất insulin chuyển lượng đường ra khỏi máu và đưa vào tế bào sử dụng làm nhiên liệu cho hoạt động sống. Nếu bị đái tháo đường, tuyến tụy không sản xuất đủ hoặc tế bào sử dụng insulin không hiệu quả (còn gọi là kháng insuline). Đây là nguyên nhân khiến đường tích tụ trong máu, làm tổn thương các mạch máu và gây ra các biến chứng lên tim, mạch máu, thận, mắt…
Vì vậy, người đái tháo đường không chỉ giảm ăn ngọt là đủ, mà còn phải chú trọng cân bằng dinh dưỡng, tập luyện, kiểm soát ổn định chỉ số đường huyết.
Đái tháo đường là bệnh lý mạch máu, gây biến chứng đa cơ quan. Người bị đái tháo đường lâu năm cần tầm soát chuyên sâu để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các tổn thương mạch máu và biến chứng lên tim, thận, mắt….
7. Dùng oxy già để sát trùng vết thương hở
Nhiều người vẫn lầm tưởng, khi bị các vết thương hở, cần sát trùng bằng oxy già để tránh vết thương bị nhiễm vi khuẩn.
Oxy già là chất oxy hóa mạnh, có tính sát khuẩn tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, dung dịch này cũng làm tổn thương đến các mô khỏe mạnh xung quanh, làm gián đoạn quá trình lành thương, gây vết thương không lành, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác.
Các chuyên gia vết thương khuyến cáo, nên vệ sinh vết thương bằng nước sạch, nước muối sinh lý hay dung dịch sát khuẩn HOCL thay vì dùng dung dịch Oxy già.
8. Vết thương phải khô mới nhanh lành
Thực tế các tế bào ở da luôn cần môi trường ẩm. Vì vậy, không phải môi trường khô mà môi trường ẩm mới thuận lợi cho quá trình lành thương. Cân bằng ẩm giúp:
- Kích thích lành thương nhanh
- Giảm thiểu sự hình thành tổ chức hoại tử
- Kích thích lấy bỏ tổ chức chết bằng tự phân
- Hạn chế tổn thương mô mới hình thành
9. Hút thuốc lá chỉ gây hại cho phổi
Sự thật là các hóa chất có trong khói thuốc có tác động đến toàn bộ thành phần của hệ tuần hoàn, là ”kẻ thù” của mạch máu. Thuốc lá làm tăng sự hình thành mảng xơ vữa, tăng khả năng hình thành cục máu đông trong lòng mạch và gây co thắt mạch máu, tăng huyết áp – tăng nguy cơ các bệnh lý mạch máu như: đột quỵ, hẹp động mạch ngoại biên, buerger, mạch vành, tim mạch...
- Theo CDC (Trung tâm kiểm soát dịch bệnh), một người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao gấp 2-4 lần so với người không hút thuốc.
- Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 nhiều hơn từ 30-40% so với người không hút thuốc
- Người đái tháo đường khi có vết thương, vết xước dù nhỏ; nếu hút thuốc lá thì vết thương không những chậm lành mà còn tăng nguy cơ viêm, nhiễm trùng, diễn tiến thành loét, có thể gây hoại tử ngón thậm chí cưa chân.
Hy vọng những thông tin trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức đúng đắn về những tin đồn, lầm tưởng về các bệnh lý. Vì sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người, hãy phòng ngừa và điều trị bệnh một cách hiệu quả.