japan-society-mb
HỆ THỐNG Y KHOA CHUYÊN SÂU QUỐC TẾ BERNARD
THÀNH VIÊN HIỆP HỘI NINGEN DOCK NHẬT BẢN
header-text
Trang chủUng thư
Vai trò của tầm soát ung thư và phương pháp thích hợp cho từng bệnh lý phổ biến

Vai trò của tầm soát ung thư và phương pháp thích hợp cho từng bệnh lý phổ biến

16/07/2024

Theo các chuyên gia, tầm soát ung thư là “chìa khóa vàng” để phát hiện sớm ung thư, từ đó đưa ra các phương pháp ngăn chặn, giảm nguy cơ tử vong và chi phí điều trị cho người bệnh.

“Việc tầm soát, phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm đóng vai trò quan trọng, nhằm ngăn chặn các triệu chứng tiềm ẩn trong tương lai. Chúng ta thường nói về chăm sóc giảm nhẹ để giảm bớt triệu chứng, nhưng tầm soát ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng mới là phương pháp giảm nhẹ tốt nhất”.

GS. TS. BS. Keisuke Shirai - Chuyên gia Ung bướu và Liệu pháp miễn dịch; Giáo sư thuộc Bộ môn Huyết học/Ung thư, Khoa Y, Trường Y khoa Geisel thuộc Đại học Dartmouth (Hoa Kỳ) kiêm Giám đốc Chương trình Ung thư da tại Trung tâm Ung thư Dartmouth chia sẻ về vai trò của tầm soát ung thư trong buổi làm việc và hợp tác chuyên môn tại Bernard Healthcare

1. Tầm soát ung thư là gì? Tại sao nên tầm soát từ sớm?

1.1 Tầm soát ung thư là gì?

Để hiểu rõ khái niệm “tầm soát ung thư”, trước tiên chúng ta cần làm rõ khái niệm về ung thư. Theo đó, ung thư là bệnh lý ác tính. Khi các tế bào ung thư xuất hiện nó sẽ phát triển liên tục và lấn át dần các tế bào khỏe mạnh, từ đó phá hủy cơ quan, bộ phận đó. 

Trong cuốn sách “Cẩm nang Phòng trị Ung thư” của Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng định nghĩa: “Ung thư là một nhóm bệnh gồm trên một trăm loại có chung vài đặc tính cơ bản quan trọng. Mọi loại ung thư đều dính líu đến các tế bào của cơ thể, đơn vị cơ bản của sự sống. Ung thư nào cũng do sự tăng trưởng quá đà và sự lan tràn của các tế bào không bình thường. Các tế bào ung thư phát sinh từ các hư hại của phân tử DNA, do phơi trải với cái gì đó trong môi trường sống, thí dụ như khói thuốc lá, rượu, các virút, ánh nắng... 

Vậy là ung thư bắt nguồn từ phân tử DNA trong nhân mỗi tế bào, nơi sâu thẳm của sự sống. Phần lớn các tác nhân gây ung (carcinôgen) tạo ra các đột biến gen dẫn đến các nhóm tế bào (các dòng tế bào) bất thường. Theo thời gian các dòng đột biến lại thành các dòng ác hơn. Nhiều đột biến làm ung thư mạnh lên. Nay người ta có thể dò đúng chỗ hư hại của gen”. 

Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng và Bác Sĩ Cao cấp - Bác Sĩ CKII Trần Đoàn Đạo - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Y khoa Bernard Healthcare.
Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng và Bác Sĩ Cao cấp - Bác Sĩ CKII Trần Đoàn Đạo - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Y khoa Bernard Healthcare.

Tầm soát ung thư là phương pháp khám nhằm phát hiện ung thư kịp thời thông qua các chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng. Trong đó, chẩn đoán lâm sàng là hoạt động thăm khám bệnh thông qua việc quan sát khai thác thông tin bệnh học giữa bác sĩ với bệnh nhân. Chẩn đoán cận lâm sàng là việc sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như xét nghiệm, X-quang, siêu âm, chụp MRI, CT… nhằm rà soát toàn bộ cơ thể, phát hiện các bất thường, mầm mống, yếu tố nguy cơ gây ung thư ở giai đoạn sớm trước khi xuất hiện triệu chứng bệnh.

1.2 Lợi ích của việc tầm soát ung thư

Theo nghiên cứu, ung thư nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu giúp tăng khả năng điều trị khỏi bệnh và giúp cải thiện tỉ lệ sống sau 5 năm. Vì vậy cần phải tầm soát ung thư ngay hôm nay để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Việc tầm soát giúp phát hiện các khối u từ giai đoạn mầm mống, khi bệnh chưa có biểu hiện hay triệu chứng nghiêm trọng, hoặc khi khối u còn rất nhỏ, chưa phát triển hay di căn ra các cơ quan khác. Đặc biệt, tầm soát ung thư còn giúp phát hiện các vấn đề khác về sức khỏe, không chỉ riêng với bệnh ung thư.

Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia đưa tầm soát ung thư vào chương trình sức khỏe cộng đồng với những mô hình chuyên sâu, hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình Ningen Dock của Nhật Bản. Mô hình này kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cùng việc cải thiện môi trường sống là yếu tố giúp người Nhật nâng cao tuổi thọ. 

1.3 Ai nên thực hiện tầm soát ung thư và định kỳ bao lâu?

Tùy theo từng nhóm đối tượng khác nhau, tần suất tầm soát ung thư cũng sẽ có sự khác biệt: 

  • Với người bình thường: Nên khám sức khỏe định kỳ hằng năm, đồng thời tầm soát ung thư theo các khuyến cáo của hiệp hội chuyên môn tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ & loại ung thư. 
  • Với người thuộc nhóm nguy cơ cao: Nên tầm soát ung thư 1 năm/lần hoặc ngắn hơn tùy vào tình trạng, đối tượng cụ thể.
  • Với người có biểu hiện triệu chứng cảnh báo: Nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

2. Quy trình tầm soát ung thư 

  • Bước 1: Khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát và hỏi bệnh nhân một số câu hỏi như vị trí xuất hiện cơn đau, biểu hiện… hoặc khai thác các thông tin về độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống, tiền căn của bản thân và gia đình… từ đó sẽ chỉ định phương pháp tầm soát phù hợp.
  • Bước 2: Thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, dịch tiết, nước tiểu, phân, tế bào …
  • Bước 3: Thực hiện cận lâm sàng Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng như: siêu âm, chụp X-quang, nội soi, chụp MRI, CT scan … 
  • Bước 4: Gặp lại bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và lên kế hoạch điều trị (nếu có). 

3. Những phương pháp tầm soát cho từng loại bệnh ung thư

Theo nghiên cứu, hiện nay có khoảng 200 loại ung thư khác nhau. Tên gọi của các bệnh ung thư này thường gắn liền với cơ quan, bộ phận mà nó phát sinh như ung thư gan, ung thư phổi… Trong khuôn khổ bài viết này, Bernard Healthcare sẽ cung cấp thông tin về phương pháp tầm soát một số bệnh ung thư phổ biến theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Khám lâm sàng luôn là bước đầu tiên trong tầm soát các loại ung thư nhằm khai thác thông tin bệnh học dựa trên cơ sở tuổi tác, giới tính, khu vực sinh sống, tiền căn gia đình, tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp… Đồng thời tiến hành thăm khám bằng cách tìm kiếm hạch bất thường, khối u trên cơ thể…

Sau đó, tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác nhau, cụ thể như sau:

3.1 Tầm soát ung thư dạ dày

  • Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng: Nội soi được xem là tiêu chuẩn vàng trong tầm soát ung thư thực quản - dạ dày - tá tràng. Đây là phương pháp hiệu quả để phát hiện các bệnh lý về thực quản, dạ dày, tá tràng trong đó có ung thư dạ dày. Thông qua nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu tổn thương từ dạ dày để thực hiện sinh thiết.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Phương pháp này thường được dùng để phát hiện và đánh giá tình trạng thương tổn của dạ dày, sự xâm lấn của khối u đến các bộ phận xung quanh và tìm hiểu rõ hơn về sự phát triển của bệnh.
  • Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm: Xét nghiệm máu giúp bác sĩ tìm ra chỉ số CA 72-4 (chất chỉ điểm quan trọng cho bệnh ung thư dạ dày). Nếu chỉ số CA 72-4 cao có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày. Thông qua việc đánh giá các chỉ số này, kết hợp cận lâm sàng khác, các bác sĩ có thể chẩn đoán về tình trạng và giai đoạn của ung thư dạ dày.
Hệ thống nội soi tiêu hóa của hãng Fujifilm BL7000 (Nhật Bản) tại Bernard Healthcare cho hình ảnh phóng đại lớn, công nghệ nhuộm màu cho hình ảnh rõ nét, hạn chế bỏ sót tổn thương.
Hệ thống nội soi tiêu hóa của hãng Fujifilm BL7000 (Nhật Bản) tại Bernard Healthcare cho hình ảnh phóng đại lớn, công nghệ nhuộm màu cho hình ảnh rõ nét, hạn chế bỏ sót tổn thương.

3.2 Tầm soát ung thư đại trực tràng 

  • Các xét nghiệm phân: Để tầm soát ung thư đại trực tràng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số các xét nghiệm phân như xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân nhằm tìm các dấu hiệu của ung thư đại trực tràng. Nếu kết quả xét nghiệm có sự bất thường, bệnh nhân cần thực hiện nội soi để đánh giá thêm.
  • Nội soi đại tràng: Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi đưa vào qua hậu môn đến trực tràng và đại tràng để quan sát toàn bộ chiều dài của đại tràng và trực tràng, từ đó phát hiện những tổn thương nghi ngờ.
  • CT scan: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chụp CT để tầm soát ung thư đại trực tràng. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian thực hiện nhanh chóng, không xâm lấn. Hình ảnh chụp CT sẽ giúp phát hiện một số polyp hoặc các khối u. Nếu kết quả có sự bất thường, bệnh nhân cần nội soi để sinh thiết và đánh giá đầy đủ.

3.3 Tầm soát ung thư phổi

  • Chụp X-quang phổi: Là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, giúp kiểm tra sự tồn tại của các khối u phổi. Trên phim chụp X-quang, hình ảnh của các khối u phổi là khối màu xám trắng, tuy nhiên kết quả này chưa đủ căn cứ để kết luận là khối u ác tính hay lành tính. Tuy vậy, phương pháp này được đánh giá là dễ bỏ sót các tổn thương nhỏ, đặc biệt ở vùng đỉnh phổi, khu vực trung tâm rốn phổi, trung thất, sau bóng tim, sau xương sườn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực liều thấp: Phương pháp này vận dụng năng lượng tia X liều thấp để chụp lại cấu trúc phổi một cách chi tiết hơn mà không gây đau đớn và thời gian thực hiện ngắn. Nếu phát hiện trên phim chụp CT có dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể chỉ định nội soi khí phế quản, chụp PET/CT bổ sung và làm sinh thiết để đánh giá thêm. Theo khuyến nghị của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Nhật Bản, CT scan liều thấp là “tiêu chuẩn vàng” trong tầm soát ung thư phổi: Phát hiện sớm bệnh ung thư phổi bằng phương pháp chụp CT scan liều thấp hàng năm giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót, lên tới 80%.
  • Nội soi phế quản: Giúp thu lại hình ảnh trực quan cấu trúc bên trong của phổi. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi có gắn đèn cùng một máy quay hay thấu kính siêu nhỏ ở đầu, sau đó luồn qua mũi bệnh nhân, đi xuống miệng, họng rồi vào khí quản, phế quản, các tiểu phế quản trong phổi. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp nội soi bằng ánh sáng huỳnh quang hay sử dụng nguồn sáng NBI.

3.4 Tầm soát ung thư gan

  • Siêu âm gan: Đây là phương pháp tầm soát ung thư gan phổ biến với độ đặc hiệu lên đến 68 - 87%. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm chi phí, thao tác nhanh chóng và chẩn đoán được khối u >1cm, đồng thời giúp phát hiện những bệnh lý về gan như xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Trong phác đồ tầm soát ung thư gan, các bác sĩ thường chỉ định kết hợp siêu âm gan và đo nồng độ AFP ở trong máu nhằm đánh giá chính xác hơn.
  • Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ: Phương pháp này thường được chỉ định để phát hiện khối u nhỏ cỡ 1cm. Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ có thuốc sẽ giúp chẩn đoán giai đoạn của ung thư gan.

Xét nghiệm tầm soát ung thư gan:

  • Chỉ số AFP-L3: Là một đồng đẳng (Isoform) của Alpha – fetoprotein (AFP). AFP tăng cao là dấu hiệu cảnh báo ung thư gan hoặc xơ gan và viêm gan mạn. AFP được chia thành 03 dạng khác nhau, bao gồm: AFP-L1 là dạng chủ yếu được thấy ở những người bị bệnh gan lành tính, AFP-L2 là dạng chủ yếu được tạo nên bởi các khối u túi noãn hoàng, AFP-L3 được sản xuất bởi các tế bào gan ác tính. Nếu phát hiện chỉ số AFP-L3 cao hơn 10% thì số lần nguy cơ xuất hiện ung thư biểu mô tế bào gan sẽ tăng gấp 7 chỉ trong vòng 21 tháng .
  • Chỉ số DCP hay PIVKA II: DCP được tạo ra bởi sự thiếu vitamin K của prothrombin, một yếu tố đông máu được sản xuất bởi gan. DCP có thể được tạo nên bởi các khối u gan và thường tăng lên đối với người bị ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Bên cạnh đó, chỉ số PIVKA II thường tăng cao ở những người bị bệnh gan và gan ác tính như ung thư gan.

3.5 Tầm soát ung thư vú

  • Nhũ ảnh (chụp X-quang tuyến vú): Đây là kỹ thuật nhằm thu lại hình ảnh tuyến vú bằng cách sử dụng tia X cường độ thấp chiếu vào các mô tuyến vú. Kỹ thuật này giúp phát hiện sớm ung thư vú khi chưa tạo thành khối u, cung cấp hình ảnh về hạch bạch huyết hay những điểm bất thường của tuyến vú.
  • Siêu âm tuyến vú: Giúp phát hiện những hình ảnh bất thường của tuyến vú. Việc siêu âm kết hợp với chụp cộng hưởng từ MRI sẽ giúp cung cấp thêm thông tin về những bất thường của tuyến vú, đồng thời là cơ sở để tiến hành các phương pháp cận lâm sàng chuyên sâu như sinh thiết. 
  • Chụp cộng hưởng từ tuyến vú (MRI): Phương pháp này sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để ghi lại hình ảnh vú giúp bác sĩ theo dõi một loạt các hình ảnh ở cả hai tuyến vú. 
Chụp MRI (Cộng hưởng từ) COIL nhũ (vú) 1.5 Tesla SIGNA Creator phiên bản đầy đủ (full option) thế hệ mới nhất 2020, GE Healthcare (Mỹ) tại Bernard Healthcare
Chụp MRI (Cộng hưởng từ) COIL nhũ (vú) 1.5 Tesla SIGNA Creator phiên bản đầy đủ (full option) thế hệ mới nhất 2020, GE Healthcare (Mỹ) tại Bernard Healthcare

3.6 Tầm soát ung thư cổ tử cung

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và 2.400 ca tử vong. Đây là nguyên nhân gây tử vong cho phụ nữ đứng thứ 2 sau ung thư vú. Tầm soát ung thư cổ tử cung là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa và điều trị kịp thời căn bệnh này (đặc biệt là với phụ nữ trên 30 tuổi). Các bước kiểm tra cận lâm sàng để tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Phết tế bào cổ tử cung: Phương pháp này gồm hai xét nghiệm chính:
  • Xét nghiệm Pap smear giúp phát hiện những thay đổi của các tế bào có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung bằng cách thu thập mẫu phết tế bào từ khu vực cổ tử cung và phân tích sự xuất hiện của virus HPV.
  • Xét nghiệm Thinprep: Với phương pháp này, các tế bào ở cổ tử cung sẽ được rửa bằng chất lỏng định hình trong lọ Thinprep và được xử lý bằng máy Thinprep làm tiêu bản hoàn toàn tự động. Xét nghiệm Thinprep giúp giảm đáng kể tỷ lệ kết quả âm tính giả và tăng tỷ lệ phát hiện ung thư cổ tử cung biểu mô tuyến, nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Xét nghiệm HPV: Giúp phát hiện sớm các chủng virus HPV có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Phương pháp này sử dụng mẫu tế bào lấy ra từ cổ tử cung, sau đó chiết tách bằng máy phân tích nhằm phát hiện virus HPV. Xét nghiệm HPV không giúp kết luận 100% nữ giới mắc ung thư cổ tử cung nhưng giúp sớm tìm thấy dấu hiệu bất thường đang tồn tại, từ đó có những biện pháp phòng ngừa và can thiệp kịp thời. Xét nghiệm HPV thường được thực hiện kết hợp với xét nghiệm Pap kể trên.
  • Soi cổ tử cung: Phương pháp này dùng một thiết bị phóng đại chuyên dụng trong phụ khoa để quan sát những tổn thương của cổ tử cung. Nếu phát hiện những bất thường, bác sĩ sẽ lấy một vài mảnh mô nhỏ để sinh thiết nhằm phát hiện các tế bào ác tính, là cơ sở để chẩn đoán bệnh.

3.7 Tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

  • Khám trực tràng bằng tay 
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu: MRI nội trực tràng thường được áp dụng trong tầm soát ung thư tiền liệt tuyến, phương pháp này giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh rõ nét, chất lượng cao của trực tràng, đồng thời có tác dụng đánh giá sự xâm lấn của ung thư tuyến tiền liệt, hậu môn và trực tràng, hỗ trợ sinh thiết.
  • Siêu âm: Có 2 hình thức siêu âm thường được sử dụng, gồm:
  • Siêu âm trên xương mu: Giúp thăm dò, phản ánh được tình trạng hiện tại của đường tiết niệu, đồng thời kiểm tra kích thước của tiền liệt tuyến, phát hiện những yếu tố bất thường trên thành bàng quang, bể thận, niệu quản…
  • Siêu âm qua trực tràng: Phương pháp này giúp phát hiện những khối u nhỏ (2 - 4mm) trong tuyến tiền liệt thông qua thiết bị gắn ở đầu dò để sinh thiết trong quá trình siêu âm.
  • Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA) trong máu: PSA là một loại kháng nguyên có ở tuyến tiền liệt và một số tuyến khác. Nếu chỉ số PSA càng cao thì nguy cơ mắc phải ung thư tiền liệt tuyến càng lớn. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán bệnh ngay từ khi ở giai đoạn sớm, đồng thời hỗ trợ chẩn đoán xác định bệnh, theo dõi tiến triển ung thư và đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.

4. Tầm soát ung thư chuyên sâu tại Bernard Healthcare 

Với gói tầm soát ung thư chuyên sâu tại Bernard Healthcare, bên cạnh các phương pháp tầm soát kể trên, khách hàng sẽ được: 

  • Thực hiện hàng loạt các xét nghiệm máu, nước tiểu, tìm máu ẩn trong phân và đầy đủ các siêu âm như bụng, tuyến giáp, tuyến vú.
  • Nội soi tiêu hóa không đau, không lây nhiễm chéo nhằm tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa.
  • Chẩn đoán hình ảnh bằng hệ thống “mắt thần” MRI toàn thân tích hợp trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó là các thiết bị hiện đại: CT scan; X-quang; Siêu âm … giúp phát hiện rất sớm, chính xác, hạn chế tối đa bỏ sót sang thương, tổn thương tiền bệnh lý.
  • Được khám và tư vấn bởi đội ngũ bác sĩ đa chuyên khoa, giàu kinh nghiệm, đến từ các bệnh viện đầu ngành.
  • Hội chẩn đa chuyên khoa khi phát hiện nguy cơ, bất thường.
  • Tư vấn tỉ mỉ, chi tiết từng hạng mục sau khám. Cụ thể, với những bệnh nhân khỏe, nguy cơ thấp sẽ được theo dõi, lưu ý và kiểm tra định kỳ. Với nhóm bệnh nhân có nguy cơ trung bình và cao sẽ được điều trị chuyên sâu nội và ngoại khoa. 
  • Đặc biệt, tại Bernard Healthcare, khách hàng sẽ được theo dõi sau thăm khám và đồng hành sức khỏe lâu dài.

Đặc biệt, Bernard Healthcare và Bệnh viện Đại học Yamanashi (Nhật Bản) hợp tác chiến lược, kết nối chuyên môn trực tiếp, cùng kiểm tra chéo 100% kết quả chẩn đoán hình ảnh (MRI, CT scan trong tầm soát chuyên sâu Ung thư; tham vấn chuyên môn dành cho các trường hợp bệnh lý phức tạp cùng đội ngũ Giáo sư, Bác sĩ lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Yamanashi. 

Hãy đến tầm soát ung thư tại Bernard Healthcare để truy tìm mầm mống ung thư, dấu ấn tiền ung thư toàn thân: Ung thư máu; hạch; đường hô hấp; đường tiêu hóa; ung thư buồng trứng, cổ tử cung, tử cung ở nữ giới, ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới…

Chia sẻ

Đã copy link
Vai trò của tầm soát ung thư và phương pháp thích hợp cho từng bệnh lý phổ biến

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng kỹ thuật hiện đại
Ung thư cổ tử cung là một trong top những loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Hiện nay, việc thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ được xem là "chìa khóa vàng" giúp phát hiện, ngăn chặn bệnh từ sớm.
Ung thư biết sớm trị lành
Ngày nay y học có tiến bộ vượt bực trong hiểu biết căn bệnh, giúp phòng ngừa và xử lý tốt bệnh ung thư. Phòng ngừa góp phần làm nhẹ gánh nặng ung thư. Phát hiện bệnh sớm có thể trị lành nhiều người bệnh. Y học đang vẽ ra bức tranh sống động với các gam màu ngày càng tươi sáng hơn.
Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt và những điều cần biết
Các dấu hiệu của ung thư tiền liệt thường phát triển một cách âm thầm và thậm chí khi biểu hiện ra ngoài, chúng cũng thường bị coi nhẹ, làm cho việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm trở nên khó khăn.
Các phương pháp tầm soát ung thư Đại trực tràng
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư đại trực tràng là căn bệnh phổ biến thứ 3 trên thế giới với 1,93 triệu ca mắc mới và 935 nghìn ca tử vong. Tại Việt Nam, cứ 100 nghìn dân sẽ có khoảng 7 đến 8 người mắc bệnh (theo thống kê năm 2020). Vì vậy, việc tầm soát ung thư Đại trực tràng định kỳ là điều rất cần thiết giúp bảo vệ sức khỏe.
Vai Trò Của Chẩn Đoán Hình Ảnh Trong Tầm Soát Và Chẩn Đoán Bệnh Lý Suy Giãn Tĩnh Mạch Chi Dưới
BS.CKII Phan Duy Kiên - cố vấn chuyên môn cấp cao Đơn vị Mạch máu - Suy giãn tĩnh mạch Bernard Healthcare cho biết Chẩn đoán hình ảnh rất quan trọng trong việc tầm soát và chẩn đoán nhiều bệnh lý ở giai đoạn sớm, trong đó có bệnh lý suy giãn tĩnh mạch (SGTM).
Vai trò của Xét nghiệm PSA và MRI trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu vai trò quan trọng của xét nghiệm PSA và MRI, hai phương pháp chẩn đoán tiên tiến trong việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Những phương pháp này sẽ giúp các bác sĩ có thể phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.
Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị vết loét bàn chân đái tháo đường
Với bệnh nhân tiểu đường, các bác sĩ đều cảnh báo nếu để tình trạng dinh dưỡng kém sẽ làm vết loét trở nên nghiêm trọng hơn, nguy cơ nhiễm trùng và phải đoạn chi sẽ tăng cao hơn.
Tầm soát ung thư gan: Phương pháp, quy trình và địa điểm uy tín
Ung thư gan là một căn bệnh nguy hiểm và thường diễn ra âm thầm. Do đó, việc thực hiện tầm soát ung thư gan là cách hiệu quả để phát hiện bệnh sớm, giúp quá trình điều trị trở nên hiệu quả hơn và giảm tỷ lệ tử vong.